Trở thành công ty đại chúng, BAF Việt Nam làm ăn ra sao?

Trở thành công ty đại chúng, BAF Việt Nam làm ăn ra sao?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 5, 23/09/2021 14:11

Chỉ sau 4 năm hoạt động, BAF Việt Nam đã nổi lên nhanh chóng và trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực chăn nuôi.

Ngày 20/9, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và trở thành công ty đại chúng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 32 Luật Chứng khoán.

Trước đó, BAF Việt Nam đã chào bán thành công 28 triệu cổ phần với giá 20.000 đồng/CP. Nguồn tiền thu về 560 tỷ đồng từ đợt IPO sẽ được BAF dùng để bổ sung vốn lưu động (228,6 tỷ đồng), mua khu đất 135E Mai Chí Thọ, Quận 2, TP.HCM (77,4 tỷ đồng), thanh toán công nợ với Tổng công ty Rau quả, nông sản (130 tỷ đồng) và tăng vốn cho các công ty con.

BAF cho biết việc IPO ngoài bổ sung nguồn vốn, còn gắn với việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhằm gia tăng tính minh bạch, nâng cao uy tín, hình ảnh, tăng cường vị thế và năng lực cạnh tranh.

4 năm tăng trưởng

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2017, đặt trụ sở tại Hà Nội.

Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến - mô hình 3F (Farm - Food - Feed).

Chỉ sau 4 năm hoạt động, BAF đã nổi lên nhanh chóng và trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam.

Hiện nay, BAF đã và đang đầu tư vào một loạt nhà máy nuôi lợn tại Phú Yên, Đắk Lắk, Tây Ninh... Gần đây nhất, doanh nghiệp này vào cuối tháng 6/2021 đã được chấp thuận 2 dự án chăn nuôi lớn tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An, là dự án chăn nuôi lợn thịt thương phẩm theo mô hình trại lạnh khép kín tại khu vực Thung Máng, xã Tân Hợp có diện tích đất 32,56ha, công suất thiết kế 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, vốn đầu tư 440 tỷ đồng; và dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt thương phẩm theo quy mô trại lạnh khép kín tại khu vực Bàu Vạn, xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân có diện tích đất 52,07 ha, công suất thiết kế 5.000 lợn nái sinh sản và 60.000 lợn thịt thương phẩm/lứa, vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2021, vốn điều lệ của BAF là 500 tỷ đồng, trong đó Tổng giám đốc Bùi Hương Giang là cổ đông lớn nhất, nắm 50% vốn BAF. Chủ tịch HĐQT Phan Ngọc Ấn sở hữu 30%, 2 cổ đông cá nhân khác là Lê Xuân Thọ và Nguyễn Anh Tuấn chia đều 20% còn lại.

Sau sự kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng hôm 1/9 vừa qua, vốn điều lệ của BAF Việt Nam tăng lên 780 tỷ đồng.

Nữ CEO sinh năm 1980 của BAF Việt Nam từng đứng tên sở hữu CTCP HUM. Trụ sở của HUM đặt tại số 62 đường Song Hành, xa lộ Hà Nội, phường An Phú, Quận 2, TP.HCM, cũng chính là địa chỉ chi nhánh CTCP Tập đoàn Tân Long tại TP.HCM.

Ngoài Tân Long Group vốn được biết tới với tên tuổi của doanh nhân Trương Sỹ Bá, thì BAF Việt Nam hay HUM cũng đều là những "tay chơi" mới nổi đầy tham vọng trong lĩnh vực nông nghiệp.

3 pháp nhân này đều có liên hệ mật thiết với nhau về cơ cấu vốn và chủ sở hữu.

"Sức khoẻ" trước ngày lên sàn

Ngay trong năm đầu hoạt động - năm 2017, BAF (công ty mẹ) đã đạt doanh thu lên tới 2.901 tỷ đồng và tăng cấp số nhân trong các năm sau, lên 9.226 tỷ đồng năm 2018, đạt đỉnh 17.288 tỷ đồng vào năm 2019, trước khi giảm về 12.845 tỷ đồng năm 2020.

Doanh thu của BAF trong giai đoạn này, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, không đến từ lĩnh vực chăn nuôi lợn mà từ hoạt động thương mại. BAF các năm qua đã ký hàng trăm hợp đồng mua bán nông sản với nhóm Tân Long - T&T Agri, với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các hợp đồng này đều được thu xếp vốn bởi Ngân hàng SHB.

Về lợi nhuận, trừ năm đầu tiên BAF Việt Nam lỗ 8,6 tỷ đồng, các năm tiếp theo doanh nghiệp bắt đầu có lãi. Năm 2018 lãi 15,4 tỷ đồng, năm 2019 lãi 13 tỷ đồng và tăng mạnh lên mức 45,8 tỷ đồng trong năm 2020.

Trong nửa đầu năm 2021, ngay trước thời điểm IPO và niêm yết cổ phiếu, các chỉ tiêu tài chính của BAF được cải thiện đáng kể, với vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2021 là 770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong kỳ là 201 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái, tương đương với tỉ suất lãi cơ bản/cổ phiếu (EPS) là 4.022 đồng, là mức khá ấn tượng so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Dù vậy, trong tổng doanh thu 5.251 tỷ đồng quý đầu năm, có tới 94,5% vẫn đến từ mảng thương mại, với biên lợi nhuận gộp rất thấp, chỉ là 2,9%, dù đã tăng mạnh so với biên lợi nhuận cùng kỳ năm 2020 (0,5%).

Ở diễn biến tích cực, hoạt động chăn nuôi ngày càng đóng góp lớn hơn trong cơ cấu kinh doanh của BAF Việt Nam, cả về số tuyệt đối và tương đối.

Cụ thể, doanh thu hoạt động chăn nuôi trong nửa đầu năm 2021 đạt 287,6 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020; tỉ trọng trong doanh thu tăng từ 3% lên 5,5%. Đáng chú ý là mảng chăn nuôi của BAF có biên lợi nhuận gộp khá cao, và tăng dần, từ 36,7% nửa đầu năm 2020 lên 45,9% trong nửa đầu năm 2021.

Tổng tài sản hợp nhất của BAF tại ngày 30/6/2021 là 6.967 tỷ đồng, trong đó ngoại trừ 1.233 tỷ đồng hàng tồn kho, phần lớn còn lại gồm các khoản phải thu ngắn hạn (4.626 tỷ đồng), trong khi tài sản cố định chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ, với số dư 397,6 tỷ đồng.

Đi sâu hơn vào cơ cấu phải thu ngắn hạn, thì chiếm tới 60% (2.634 tỷ đồng) là các khoản phải thu dưới 12 tháng với các doanh nghiệp có nhiều liên hệ với Tân Long Group và T&T Agri như CTCP Tập đoàn Tân Long (645,4 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (566,5 tỷ đồng), Công ty TNHH ĐT Kinh doanh Nhật Tân (362 tỷ đồng), Công ty TNHH Nông nghiệp T&T (277,6 tỷ đồng), CTCP Nông sản Sông Lam (268,8 tỷ đồng), CTCP XNK Rau quả 1 (258,6 tỷ đồng) hay CTCP Đầu tư Hoàn Kiếm (256,1 tỷ đồng).

Ngoài ra, BAF trong nửa đầu năm 2021 đã mua 2,6 triệu cổ phiếu CQN với giá vốn 65,1 tỷ đồng của CTCP Cảng Quảng Ninh - công ty con do Tập đoàn T&T nắm tới 98,29% cổ phần.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý 2/2021 (chưa soát xét) của Cảng Quảng Ninh lại thể hiện ngoài T&T Group, chỉ có 1,28 triệu cổ phần, tương đương 1,71% CQN được sở hữu bởi cổ đông khác. Có nghĩa rằng tồn tại sự sai lệch giữa báo cáo tài chính của 2 doanh nghiệp này.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, không bất ngờ khi phần lớn nguồn vốn của BAF cũng được tạo nên bởi các khoản phải trả, chủ yếu là ngắn hạn với nhóm Tân Long và T&T Agri, với số dư gần 4.700 tỷ đồng tới cuối quý 2 vừa qua.

Hồ sơ doanh nghiệp - Trở thành công ty đại chúng, BAF Việt Nam làm ăn ra sao?

BAF Việt Nam có khoản phải trả người bán tới gần 5.800 tỷ đồng vào cuối quý 2/2021.

Cụ thể, BAF nợ CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát (954,4 tỷ đồng), CTCP CBOT Việt Nam (729,2 tỷ đồng), CTCP Nông sản Bờ Biển Ngà (552,6 tỷ đồng), Công ty TNHH SX TMDV Sơn Hưng (493,7 tỷ đồng), CTCP Nông sản MOGB Quốc tế (410,4 tỷ đồng), CTCP Nông nghiệp An Điền (369 tỷ đồng), CTCP SXTMDV Tân Mai (276,9 tỷ đồng), Tổng công ty Rau quả, nông sản (268,1 tỷ đồng), CTCP Gạo Vì Dân (231,7 tỷ đồng), Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (208,7 tỷ đồng) và CTCP XNK Rau quả (203,3 tỷ đồng).

Các khoản phải trả trên đây chiếm tới 2/3 tổng nguồn vốn của BAF Việt Nam. Về mặt tích cực, giúp doanh nghiệp này gần như không dùng đến vốn tín dụng, song cùng với cơ cấu tài sản, cho thấy sự phụ thuộc lớn trong cấu trúc tài chính của BAF Việt Nam.

Hoa Liên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.