Những năm gần đây, vườn hoa bãi đá sông Hồng (Tây Hồ, Hà Nội) được coi là địa điểm nổi tiếng của Thủ đô, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Là khu tổ hợp vui chơi giải trí, chụp ảnh của người dân Hà Nội và du khách, mùa nào thức đó, vườn hoa luôn có hàng trăm loại hoa khoe sắc, thu hút giới trẻ và các gia đình đến thăm quan vào dịp cuối tuần, lễ, Tết.
Vườn hoa bãi đá sông Hồng trước đây là nơi check-in, chụp ảnh nổi tiếng tại Hà Nội.
Đây là nơi hẹn hò, thư giãn và giải trí lý tưởng của giới trẻ vào mỗi dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, khi cơn bão số 3 ập đến, nơi đây trở thành một đống hoang tàn. Đồ đạc bị nước lũ cuốn trôi gần hết, số còn lại thì ngập ngụa trong bùn đất, hư hại hoàn toàn với tổng thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Những luống hoa còn lại trơ gốc sau cơn lũ dữ đi qua.
Chỉ về phía mô hình chiếc cối xay gió ở ngay cổng ra vào để nói về sức tàn phá của trận lụt cách đây 3 tháng trước, anh Lưu Đức Mạnh, quản lý Vườn hoa bãi đá sông Hồng cho hay, nước lũ lên quá nhanh khiến tất cả bị nhấn chìm.
Cây cối hầu như bị chết sạch, những chiếc ghế bị bùn đất lấp quá nửa.
“Chỉ sau một đêm, toàn bộ 14ha gồm vườn hoa, khu cắm trại, tổ hợp vui chơi giải trí và tài sản ngập trong mênh mông nước, tan hoang hết, không còn một cái gì. Chỗ tôi đang đứng là cao nhất, nước cũng ngập quá đầu người, đồ đạc thì trôi hết”.
Vườn hoa đào năm trước khi bão chưa đi qua.
Vườn hoa sau khi nước lũ rút.
Khi nước rút, tất cả trang thiết bị, máy móc, đồ dùng, những chiếc máy cày, máy xới, ô tô, khu vực nhà hàng, quán café, Camping… đều bị hư hỏng nặng, không thể khắc phục. Toàn bộ diện tích trồng các loại hoa như cúc hoạ mi, hồng, cải, đào, quất… đều chết trắng xoá.
Mô hình phố cổ Hội An dịp gần Tết 2024 đẹp như tranh vẽ, là địa điểm thu hút nhiều người đến chụp ảnh.
Sau bão trở nên tan hoang.
Anh Mạnh cho biết, để đầu tư, xây dựng được khu tổ hợp rộng lớn này, toàn bộ sổ đỏ của anh em đều phải cắm trong ngân hàng. Làm được bao nhiêu tại mang đi tái đầu tư. Thế mà chỉ sau một đêm bị mất trắng hết, chỉ còn lại mỗi người. Những tháng ngày sau đó, anh em ai cũng mất ăn mất ngủ vì xót của.
Để khắc phục và dọn dẹp, anh Mạnh phải thuê hàng trăm người làm liên tục trong gần 3 tháng.
Bao nhiêu tiền của, công sức xây dựng bị nhấn chìm và trôi theo dòng nước lũ. Để khắc phục và dọn dẹp “tàn tích” còn sót lại của bão số 3, anh Mạnh phải huy động, thuê mướn gần trăm người làm với chi phí 600 nghìn đồng/ngày.
Hiện tại, vườn cúc hoạ mi đã được trồng mới, khôi phục lại đẹp tinh khôi.
Rất đông chị em đến chụp ảnh, check-in.
“Các khu vực trồng hoa phải cày xới lại, đổ vôi để khử chua, loại bỏ mốc, cải tạo đất rồi mua hoa để trồng lại. Những đồ đạc khác còn dùng được như bóng đèn, bàn ghế, xích đu, lều trại, các tiểu cảnh trang trí được làm sạch bùn, sơn lại màu… Có ngày, tôi phải thuê 80 người làm”, anh Mạnh nói.
Khu quán cafe và Camping đã hồi sinh sau gần 3 tháng.
Rất đông các chị em váy áo xúng xính đến chụp ảnh.
Đến giờ, sau gần 3 tháng, những luống cúc hoạ mi, những ruộng hoa cải, hoa hướng dương, hoa phong linh, cẩm tú cầu, thu hải đường… được trồng mới đã bắt đầu bung nở rực rỡ; các nhà hàng, quán ăn trong khu vui chơi cũng đã hoạt động trở lại, đón những vị khách đầu tiên đến chụp ảnh, check-in.
Những luống hoa đủ sắc màu.
Khu trượt cỏ phục vụ khách đến vui chơi, giải trí.
"Những luống cúc này phải mua lại từ các nông trại mới có hoa ngay để phục vụ mọi người đến chụp ảnh. Vườn hoa hồng kia cũng là trồng mới lại toàn bộ, phải mất vài nữa mới có thể ra hoa. Những hạng mục khác để khôi phục lại như trước đây thì không biết đến bao giờ, có khi phải vài năm. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để Tết này người dân Thủ đô vẫn có thể đến đây vui Xuân được”, anh Mạnh bày tỏ.
Hồng Cảnh