Quyết định vàng của người đàn ông tay trắng
Anh chính là Hà Văn Tân, sinh năm 1966 tại xã Sàn Viên (Lộc Bình, Lạng Sơn). Tuy gần ngay TP. Lạng Sơn nhưng huyện Lộc Bình vẫn là một trong những huyện biên giới còn nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết.
Cũng như nhiều bà con dân tộc thiểu số khác ở địa phương, gia đình anh Tân hết đời này đến đời khác còng lưng bán mặt cho đất, làm quần quật nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Khi anh bước vào tuổi đôi mươi cũng chính là lúc không chỉ quê hương anh, mà kinh tế của cả nước lâm vào khó khăn. Là con trai có sức vóc, suốt thời trai trẻ anh làm đủ thứ nghề mưu sinh, kiếm tiền trang trải cho gia đình.
Nhiều người hàng xóm còn nhớ như in hình ảnh anh Tân quần quật trên những nương lúa, rồi lại treo mình trên đỉnh núi cheo leo để làm thuê. Làm ở quê không đủ sống, anh phiêu bạt nhiều nơi để nuôi chí làm giàu nhưng thần Tài vẫn chưa mỉm cười với anh.
Nhiều đêm anh đặt ra câu hỏi, tại sao cứ phải đi làm thuê cho người ta mà mình không đi làm thuê cho chính mình, có nghĩa là trở thành ông chủ! Nghĩ vậy anh chuyển sang làm doanh nghiệp thương mại. Lợi thế của quê hương anh là có cửa khẩu Chi Ma thông thương với nước bạn nên anh chủ yếu làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Công việc làm ăn bắt đầu có lãi nhưng nghề dịch vụ không bền vững khiến anh ngày đêm trăn trở.
Trong khi đang gắng tìm một hướng đi cho mình, thì có lần tình cờ một đối tác nhờ anh đặt mua mấy con cá sấu về nuôi theo phong thủy lấy may. Anh nhận lời và cũng không ngờ rằng đấy cũng chính là mối nhân duyên đưa anh tới với quyết định vàng thay đổi phận nghèo truyền kiếp của mình.
Để thực hiện lời hứa, anh phải vào tận đồng bằng sông Cửu Long nhờ các mối làm ăn của mình dẫn đi tìm cá sấu. Lênh đênh trôi nổi trên những vùng sông nước rồi cuối cùng anh cũng được tận mắt chứng kiến những con sấu như thân cây xù xì, cũ kỹ.
Điều khiến anh ngạc nhiên là việc nuôi cá sấu không hề khó như lâu nay anh thường nghĩ. Sau lớp lưới sắt anh nhìn thấy rất nhiều cá sấu, nước trong hay đục chúng đều sống được, đặc biệt, chúng có thể ăn tất cả các loại rau củ, thịt động vật. Một ý tưởng mạnh dạn, liều lĩnh bỗng lóe lên trong đầu anh.
Anh Tân và đàn sấu con.
Gian nan hành trình thành Vua sấu núi
Cần có sự kiên nhẫn và lòng tin "Nuôi cá sấu không khó, vì bản thân con vật nào dù hung dữ tới đâu con người cũng thuần chủng được. Cái khó nhất là nằm ở sự kiên nhẫn, và lòng tin của chính người chủ nuôi mà thôi", anh Tân chia sẻ. |
Ngày ấy, anh chỉ kịp hỏi người chủ trại nuôi sấu vùng sông nước Cửu Long một vài kinh nghiệm nuôi loài cá đặc biệt này rồi quyết định mua thêm vài ba đôi cá giống. Khi biết tin anh sẽ xây dựng một mô hình vật nuôi khác biệt hoàn toàn với các trang trại khác trong tỉnh, người ủng hộ thì ít mà người gièm pha, cười chê thì nhiều.
Nhiều người cho rằng anh khác người, lập dị. Họ nghĩ cá sấu là loài vật sống dưới nước, không thể sống được trên núi. Nhưng vốn là người quả quyết, và hơn nữa đã tận mắt chứng kiến cách nuôi loài cá vốn quen được quan niệm là dữ dằn này nên anh động viên vợ vững tin, cùng chung tay với mình xây dựng cơ đồ.
Tận dụng mảnh đất của gia đình sẵn có nguồn nước đi qua, hai vợ chồng anh bắt tay vào đi đặt lưới mắt cáo, đào vét kênh dẫn nước, tạo các khoang trữ nước nhỏ gần nhau làm nơi ở cho đàn sấu. Ngoài ra, để cho đúng chất là sấu đá, vợ chồng anh còn sáng chế ra sân chơi mini trên nền đất cạn xếp đá để chúng có thể trườn lên tắm nắng, ăn trên đó để tránh ô nhiễm nguồn nước.
Một điều vô cùng thuận lợi mà anh không ngờ tới là nguồn thức ăn cho cá sấu ở miền núi quê hương anh rất sẵn, kể cả khoai, mì, ngô hay các loài thú hoang nhỏ. Thông thường vợ chồng anh tự đi tìm, lúc khan hiếm thì đi mua lại của bà con trong xã. Anh bảo chắc ăn được nguồn thức ăn sạch nên đàn sấu tuy thay đổi khí hậu sống nhưng đều khỏe mạnh, không con nào bị chết.
Tuy nhiên, do bản chất hoang dã và có tính sát thương lớn nên trong suốt quá trình nuôi cá sấu gia đình anh phải đề phòng nguy hiểm cho con người. Chỉ có hai vợ chồng anh, những người đã quen với đàn sấu ngay từ khi chúng còn nhỏ là dám tiếp xúc cho chúng ăn, làm vệ sinh tổng thể. Anh bảo bình thường chúng chỉ ăn và ngủ, nhưng khi thấy có động tĩnh lạ hoặc bị trêu (ném, chọc, nhử đồ ăn quá lâu) thì sẽ rất nguy hiểm, chúng chỉ muốn lao ra khỏi lớp rào thép.
Sau vài năm đàn cá sấu của gia đình anh đã nhiều gấp 5 lần lúc ban đầu. Nhận thấy công sức của mình bỏ ra đã đến lúc thu lại thành quả, hai vợ chồng anh bắt đầu tìm đầu ra. Căn cứ vào giá thành và nhu cầu ăn uống ngày càng cao và mới của thị trường nên anh tập trung chào hàng ở các khách sạn, nhà ăn cao cấp, các nơi có nhiều du khách ghé thăm.
Chỉ mất một thời gian tự mò mẫm ban đầu, sau khi nhận thấy vị thịt sấu của gia đình anh thơm ngon, trắng, chắc ngọt, nhiều chủ nhà hàng không chỉ ở phạm vi Lạng Sơn, mà mở rộng ra các tỉnh miền núi phía bắc, khu vực đồng bằng tìm đến gia đình anh ngày càng đông. Bây giờ anh bảo nhiều khi cầu vượt quá cung nên anh cũng muốn mở rộng hơn trại nuôi sấu núi của mình.
Thời điểm tôi đến thăm trang trại của anh có khoảng 400 con cá sấu, trong số đó 200 con có thể xuất bán được. Anh tâm sự, mỗi con sấu nuôi từ khi nở đến khi trưởng thành hết 500 ngàn đồng tiền thức ăn. Trong vòng 8 tháng có thể bán thu lãi khoảng 1 triệu đồng mỗi con. Hơn thế cá sấu ít bệnh tật, chịu nóng, lạnh tốt nên mức độ rủi ro trong chăn nuôi thấp. Ngoài nuôi cá sấu anh còn kết hợp nuôi ba ba gai.
Khi biết mọi người gọi mình là Vua cá sấu, anh cười và nói: Nếu vậy thì chỉ có làm vua ngày xưa là khó, chứ bây giờ ai muốn làm vua như tôi mà chẳng được. Mang một loài gần như chúa vùng sông nước lên núi để làm giàu không phải tôi giỏi, mà là tôi tin vào quyết định của mình.
Đức Anh Chí