Cuộc đời ba chìm bảy nổi
Bà Nguyễn Thị Thảo (65 tuổi ở tổ 8, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) không có tuổi thơ như bao đứa trẻ khác. Khi mới lọt lòng, mẹ mất vì băng huyết quá nhiều. Không lâu sau, bố đi lấy người đàn bà khác, bà sống với mẹ kế thường xuyên phải hứng chịu những lời chửi bới, những trận roi đòn. Lên mười tuổi, bố mất, bà bị mẹ kế đuổi ra khỏi nhà, lang thang kiếp sống mồ côi.
Cuộc sống mưu sinh thành chuỗi tháng năm dài lê thê trong đói rách, bơ vơ. Đói thì phải làm, việc gì bà cũng làm, từ làm thuê, làm mướn, nhặt rác đến rửa bát, quét rọn thuê... Tuổi thơ của bà Thảo là những tháng này lang thang khắp mọi miền. Số phận đã đưa bà dạt đến đất Thái Nguyên. Dồn hết vốn liếng tích lũy từ những ngày đói kém mưu sinh, bà thuê được một cửa hàng đơn sơ tuềnh toàng. Hy vọng cuộc sống ổn định bỗng le lói trên mảnh đất này.
Bà lão Nguyễn Thị Thảo phải đi nhặt rác mưu sinh
Nhờ có cửa hàng tạp hóa, cuộc sống của bà bớt đói kém hơn. Đến tuổi xuân thì, có tiền mặc những bộ quần áo mới trên người, cô gái ăn mày bỗng hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp, lộng lẫy khiến biết bao chàng trai si mê. Thiếu nữ duyên dáng đã lọt vào mắt xanh của anh giảng viên Hà Văn Chiến, người vẫn thường đến quán cô mua hàng. Rồi họ đã nên duyên vợ chồng.
Bà không ngờ mình lại có ngày hạnh phúc như thế. Chồng là giảng viên một trường đại học, còn vợ thì bán hàng tạp hóa. Sau một ngày lao động mệt nhoài, tối đến bà được trở về quây quần bên mái ấm gia đình. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì giông bão nổi lên, tai ương liên tiếp giáng xuống. Bà sinh được 4 người con thì 3 đứa đầu đều ốm đau, bệnh tật. Chúng đã lần lượt bỏ bà đi mãi mãi, chỉ có một đứa khỏe mạnh.
Để quên đi nỗi đau mất con, bà lấy hết số vốn ít ỏi ở cửa hàng tạp hóa, cùng với số lương ít ỏi của ông giáo, hai vợ chồng bỏ đất Thái Nguyên về Hà Nội kiếm sống ngày qua ngày. Bất hạnh thay, trong một lần tai nạn, chồng bà bị tai biến mạch máu não.
Được biết ngôi nhà nhỏ của bà nằm tổ 8, phường La Khê, quận Hà Đông. Trong ngôi nhà chật hẹp, lạnh lẽo, người ta thấy có hai bóng dáng già lọm khọm chăm sóc nhau những bữa cơm trưa chiều quạnh hiu. ông lão 67 tuổi này đã không còn khả năng lao động nữa. Gánh nặng mưu sinh, chăm sóc chồng bệnh tật cứ đè nặng lên vai người đàn bà còm nhom, ốm yếu đến tiều tụy.
Đeo vàng giả để trêu ngươi số phận
Cuộc đời “ba chìm bảy nổi” lận đận đã khiến bà tuyệt vọng. Đã bao lần muốn quyên sinh, nhưng cứ nghĩ đến người chồng bị liệt não không có ai chăm sóc, bà lại khóc không thành tiếng. Bà lại gắng sức già gồng gánh mất mát để tiếp tục mưu sinh. Bà mua mấy chỉ vàng giả đeo tay để trêu ngươi số phận nghiệt ngã. Có người thấy bà có nhẫn vàng đeo đầy người mà vẫn đi nhặt rác thì ngạc nhiên lắm. Có người lo bà bị cướp vàng, bà chỉ cười mỉm: “Lấy được thì cứ lấy, cuộc đời có thứ gì có được dễ dàng đâu”.
Đã ở cái tuổi 65, bà lão ấy vẫn chưa có ngày nào được nghỉ ngơi. Trời nắng cũng như trời mưa cứ 3 giờ sáng, khi hàng xóm đang say giấc, bà lão đã lọ mọ thức dậy. Lúc mặt trời đã lên cao, nắng như đổ lửa bà mới chịu về. Tranh thủ nấu bữa cơm cho cụ ông xong bà tranh thủ ra phân loại rác. Hình ảnh bà cụ ngồi ăn cái bánh mì bên bãi rác đã không còn lạ với người dân nơi đây.
Sản phẩm của những giờ lao động cật lực đó là những bao rác to chình ình. Mỗi bao tải rác nặng đến hơn chục kg, hai tay bà xách hai bao, còn một bao to đặt lên đầu. Trung bình mỗi lần bà đội hơn 20 cân rác. Ngày 4 lần đi nhặt rác thì một ngày có tới một tạ rác được đặt lên vai bà cụ 65 tuổi này. Có ngày bà kiếm được chút ít, có ngày những bà nhặt rác khác đã nhặt trước thì bà chẳng nhặt được là bao. Ngày may mắn của bà là kiếm đủ dăm bảy chục nhưng cũng có ngày chỉ kiếm được đôi ba chục.
Ông Trương Văn Hòa, sát vách nhà bà nhưng chẳng mấy khi thấy bà ở nhà. “Lúc đầu thấy bà ấy bê rác làm mất cảnh quan xung quanh nhà, hàng xóm cũng phàn nàn. Nhưng biết cuộc sống thảm thương của bà cụ nên ai cũng cảm thông. Tội nghiệp! Bà không đủ sức để nâng các bao rác mà phải nhờ đến hàng xóm đặt lên vai giúp”.
Được biết, bà lão còn người con gái đi lấy chồng ở quận Thanh Xuân Hà Nội. Con gái không muốn bà đi nhặt rác nên muốn đón bà về chăm sóc. Thấy hoàn cảnh gia đình con cũng khó khăn, hai ông bà quyết định nương tựa nhau sống nốt những ngày cuối đời.
Quãng thời gian tuổi trẻ bất hạnh lặp lại khi bà về già. Lau nước mắt, bà tâm sự về những ám ảnh: “Tuổi thơ bất hạnh, cuộc đời lang thang nhặt rác, làm thuê, làm mướn đã quá cơ cực. Đến khi về già rồi tôi vẫn chưa thể thể thoát được kiếp nhặt rác”.
Hoàng Thế Tào