"Bóng độ" nhuốm màu tiền
Theo Lâm, sinh viên trường đại học X, thường thì các đội hay cáp kèo độ với nhau là các đội sinh viên, vì có thể tập hợp được một dàn cầu thủ khá đồng đều và ăn rơ với nhau. Nhiều khi cũng có thể cáp với các đội bóng của các công ty, văn phòng nhưng gặp các đội này thì dễ thở hơn vì người ta đá không quá rắn như khi các đội sinh viên đá với nhau.
Khi được hỏi về cách tìm để cáp kèo độ với nhau, Lâm cho biết: "Thường thì tụi em rủ những đội bóng ở trong trường để đá, sinh viên thằng nào chả có tí máu me cờ bạc nên cũng dễ. Bên cạnh đó, bọn em cũng nhờ những chủ sân nơi mình hay đá cáp kèo cho nữa, nhưng như thế thì chưa biết thực lực bên kia ra sao nên cũng không dám độ lớn, chỉ khoảng vài trăm ngàn thôi. Thường thường mỗi tuần bọn em chỉ đá 1- 2 kèo, nếu nhiều đội cáp đá quá thì phải hẹn lại, chứ đá nhiều không có sức, dễ thua như chơi".
Một sân bóng mini tại TP.HCM. Ảnh minh họa
Lâm cũng cho biết, không chỉ có các đội bóng tự bắt kèo đá với nhau mà các chủ sân cũng thường tập hợp cho mình những cầu thủ có chất lượng để tự cáp kèo với các đội bóng khác. Những cầu thủ này thường là những cầu thủ ở các đội bóng sinh viên, do đá nhiều tại sân được chủ sân để mắt tới hoặc do những người cũ giới thiệu. Tất cả đều phải trải qua nhiều trận đấu cho ông bầu xem mắt, đến khi được duyệt thì mới chính thức được bổ sung vào quân số đội bóng.
"Khi được nhận vào, mỗi cầu thủ cũng sẽ được trả lương cho những trận mà mình thi đấu, số tiền nhận được cũng dao động thường xuyên, tùy vào số tiền mà các bầu cáp với nhau, nhưng thường thì không bao giờ dưới 200 ngàn /người/ trận. Tuy nhiên, chỉ khi thắng mới có tiền, còn thua thì có khi bị chửi không kịp vuốt mặt ấy chứ", Lâm cho biết.
“Trò xiếc” và bạo lực
Theo Thịnh, bạn của Lâm, đồng thời cũng là thủ môn trong đội bóng của một ông bầu tại sân bóng trên đường Nguyễn Xí, cái nghề đá độ thuê này cũng lắm trò, nhiều mánh khóe chứ không đơn giản chỉ là ra sân và đá không thôi. "Nhiều khi chúng em phải đá dưới thực lực của mình, giả vờ thua những trận đầu hay kèo nhỏ để câu những kèo lớn hơn, những cái này đều do ông bầu ra chỉ thị trước trận đấu, ai mà làm sai thì chỉ có nước biến khỏi đội cho nhanh", Thịnh cho biết.
"Do tính chất ăn thua, nên nhiều khi dù là sân bóng mini, luật cấm chuồi bóng nhưng cầu thủ hai bên vẫn vào bóng chẳng khác gì sân cỏ thật nên hầu như sau trận đấu, đứa nào cũng ê ẩm hết mình mẩy, mấy đứa mới đi đá, chưa có kinh nghiệm thì nhiều khi lãnh đủ. Trừ những lúc có trọng tài, không thì ...", Lâm cười cười sau khi kéo ống quần lên, giơ ra cái đầu gối chằng chịt những vết sẹo. Theo Lâm, đó là "chiến tích" sau hơn hai năm đi đá bóng độ, có khi vết này chưa khỏi, vết khác lại chồng lên.
Lâm tâm sự: "Có ít tiền vào là đá khác ngay anh ạ, nhiều lúc chúng nó cố tình vào bóng ác để triệt hạ mình, nếu không giữ được cái đầu lạnh thì dễ đánh nhau lắm. Hôm nọ đội thằng bạn em, do bị chơi xấu nhiều quá nên chúng nó nổi khùng đánh nhau luôn, ai dè gặp phải bọn giang hồ, hôm sau lên sân chúng nó kéo tới hơn 20 thằng tính xử đẹp, may mà có chủ sân ra dàn hòa, mất thêm chầu nhậu nữa mới yên được chuyện. Có những trận mà khi đá xong, bọn em phải nghỉ cả tháng trời do chân sai khớp, "trật sơ -mi".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết địa điểm mà các đội bóng thường xuyên lui tới để cáp kèo đá độ với nhau là một số sân trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh như sân PN hay sân LH ở đường Lê Hữu Thọ, quận Gò Vấp.
Bên cạnh các đội bóng tự cáp kèo đá với nhau, ông bầu của hai sân bóng này còn có dưới trướng gần 20 cầu thủ - chủ yếu là sinh viên sẵn sàng ra sân bất cứ lúc nào. Song song nềm đam mê về trái bóng, hầu hết cầu thủ ở đây đều tranh thủ độ bóng để kiếm thêm thu nhập cho mình. Nhưng điều mà tất cả đều chưa nghĩ tới, đó là mình đã vô tình tiếp tay cho những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng.
Minh Nghĩa