Trộm chó “tung hoành” đâu phải do thói quen ăn uống

Trộm chó “tung hoành” đâu phải do thói quen ăn uống

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 7, 16/06/2018 06:39

Chẳng có tên trộm chó nào lại có thể lạc quan, hy vọng rằng khi bị phát hiện chúng sẽ được người dân kéo vào bàn rót trà, mời bánh rồi thuyết giảng về đạo lý làm người, về cách kiếm tiền chân chính. Nhưng vì sao chúng vẫn “yêu nghề” và sẵn sàng “tử nghiệp”?

Ngày trước, mỗi lần chứng kiến cảnh trộm chó bị dân làng đốt xe, nhốt vào chuồng cùng tang vật, đánh đến mức mặt mũi biến dạng hoặc thậm chí mất mạng, luôn có hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi: 1.“Tại sao người ta có thể đối xử tàn bạo với đồng loại chỉ vì một chú chó?”; 2. “Tại sao trông thấy những cảnh này mà trộm chó vẫn không chùn tay, giải nghệ?”.

Sau này, tôi đã tìm thấy câu trả lời trong chính những đường dây trộm và tiêu thụ chó bị lực lượng chức năng tóm gọn.

Gần đây nhất, khi nhóm “cẩu tặc” tại hai huyện Đức Thọ, Can Lộc (Hà Tĩnh) sa lưới, người ta lại thấy sởn gai ốc vì sự “chuyên nghiệp” và độ táo tợn của những người trong nghề. Cụ thể, khi đột kích vào nhiều địa điểm nhốt chó, nhà chức trách thu hàng trăm con chó trong lồng cùng súng bắn điện, bình xịt hơi cay, dao bấm, kiếm tự chế, ná cao su bắn bi.

Trộm chó “tung hoành” đâu phải do thói quen ăn uống

Các đối tượng trộm chó trang bị hung khí và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.

Đáng chú ý, tất cả xe máy đều được chúng lắp kích điện để bắt chó. Cũng tại Hà Tĩnh hồi đầu năm nay, lực lượng chức năng đột kích nhiều địa điểm tiêu thụ chó ở xã Thạch Trung và huyện Thạch Hà. Gậy gí điện, bình xịt hơi cay cùng hàng loạt con chó nhốt trong lồng hoặc đã làm thịt bị thu giữ...

Hiển nhiên, đội ngũ trộm chó không trang bị, tự chế hung khí để “cho vui” hay “ra oai”. Đó là những công cụ hữu hiệu để “thu phục” chú chó đáng giá từ 600 - 1 triệu đồng (khác với loại “đẹp” giá từ 5-7 triệu đồng được bán cho những người có nhu cầu nuôi) và chống trả khi bị phát hiện.

Tôi tin, chẳng có tên trộm chó nào lại có thể lạc quan, hy vọng rằng khi bị phát hiện chúng sẽ được người dân kéo vào bàn rót trà, mời bánh rồi thuyết giảng về đạo lý làm người, về cách kiếm tiền chân chính. Tôi tin, chúng biết rõ người nuôi chó luôn căm ghét, chỉ chực trút giận lên chúng khi có cơ hội.

Nhưng vì sao chúng vẫn “yêu nghề” và sẵn sàng “tử nghiệp”?

Được biết, riêng đường dây trộm và tiêu thụ chó ở hai huyện Đức Thọ, Can Lộc đã hoạt động trong thời gian dài, ước tính tới hàng nghìn con. Còn những nghi can trong vụ việc còn lại khai nhận có những đêm "ra quân" bắt được 30 con.

Thử hỏi với số lượng lớn như vậy thì bao nhiêu gia đình đã phải đỏ mắt vì vật cưng bỗng dưng biến mất hoặc chỉ biết uất ức, bất lực để tài sản rơi vào tay bọn trộm - những kẻ trang bị hung khí từ mình đến xe?

Khi nhắc đến nạn trộm chó, một số người đổ lỗi cho sở thích ăn thịt loài động vật này và chỉ trích các thực khách đã tạo nguồn sống cho “cẩu tặc”.

 Nhưng hỡi ôi, nói vậy khác nào kết tội theo kiểu vì đeo trang sức lấp lánh nên mới bị giật, vì mang tiền theo bên người nên mới bị móc túi, vì là phụ nữ nên mới bị quấy rối?

Tại sao ở các quốc gia coi việc ăn thịt chó là phong tục lâu đời, “cẩu tặc” không xuất hiện hoặc gây ám ảnh như ta? 

Và nếu đã nhắc đến quy luật cung - cầu thì tại sao các đường dây trộm chó không đầu tư trang trại như cách người ta vẫn làm với những chú gà để đảm bảo nguồn nguyên liệu khổng lồ cho các cửa hàng thức ăn nhanh? 

Đơn giản là bởi sự tham lam, lười biếng, cộng thêm tình trạng thiếu hiểu biết hoặc xem thường pháp luật đã khiến họ bất chấp tất cả…

Trương Chi

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.