Tính chất, nguyên nhân, mục đích của “trộm người”, bắt cóc người ở từng vụ việc là khác nhau.
Từ “trộm người” đến bắt cóc
Thông tin một số học sinh trường tiểu học huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nhiều năm qua bị kẻ gian lợi dụng, dụ dỗ “trộm người” khỏi trường học rồi lấy mất vàng đã khiến nhiều phụ huynh phải giật mình vì sự táo tợn, nguy hiểm của loại tội phạm này.
Nhóm tội phạm này lợi dụng sự sơ hở, chủ quan, thậm chí là chưa nhận thức được của nạn nhân để ra tay “trộm người” nhưng mục đích là lấy của. Đáng lo ngại là hành vi này không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của con người.
Ở một diễn biến khác, cũng xuất phát từ mục đích chiếm đoạt tài sản nhiều người đã có hành vi bắt cóc người khác làm con tin để yêu cầu bố mẹ, người thân của người bị bắt cóc mang tiền đến chuộc. Nếu người thân của nạn nhân vụ bắt cóc không đến chuộc theo yêu cầu của người bắt cóc thì rất có thể tính mạng của con tin sẽ bị đe dọa.
Bản thân người có hành vi bắt cóc nhiều khi cũng không lường trước được hậu quả pháp lý.
Cũng là một dạng bắt cóc nhưng có dấu hiệu giống như hành vi giữ người trái pháp luật là trường hợp người bắt cóc bắt nạn nhân đến một địa điểm nào đó rồi cưỡng ép nạn nhân phải viết giấy vay nợ, hoặc viết giấy mua bán một tài sản nào đó mà người bắt cóc hướng tới. Dạng tội phạm này đang có dấu hiệu “bùng phát” trong thời gian gần đây khi mà tình hình kinh tế khủng hoảng, các vụ vỡ nợ, phá sản, vỡ hụi xảy ra liên tục.
Bắt cóc người và diễn biến phức tạp về tội danh
Từ một hành vi ban đầu là bắt cóc người, nhưng do động cơ, mục đích và diễn biến phạm tội khác nhau mà người có hành vi bắt cóc người khác có thể bị truy tố bởi những tội danh khác nhau. Bản thân người có hành vi bắt cóc nhiều khi cũng không lường trước được hậu quả pháp lý đối với hành vi phạm tội của mình.
Trên thực tế về mặt thuật ngữ thì không có điều luật nào có tên là “Tội bắt cóc người” Theo quy định của Bộ luật hình sự từ năm 1999, hiện nay đã được sửa, đổi bổ sung năm 2009 có một số điều luật quy định về hành vi bắt giữ người trái phép như Điều 120 quy định về “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”; Điều 134 quy định về “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”; Điều 123 quy định về “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”; hay Tội mua bán người được quy định tại Điều 119…
Tuy nhiên không vì thế mà người có hành vi bắt cóc người khác chỉ bị xem xét truy cứu trách nhiệm đối với những tội danh như trên. Trong nhiều trường hợp xuất phát từ việc bắt cóc mà sau đó người có hành vi phạm tội bị truy cứu hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là Tội giết người. Trong những trường hợp này việc bắt cóc người chỉ là tiền đề ban đầu của hành vi phạm tội diễn ra sau đó.
Việc xác định người có hành vi bắt cóc người khác vi phạm điều nào, tội danh nào của Bộ luật hình sự phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm và những dấu hiệu nhận biết của tội phạm ấy.
Chẳng hạn đối với hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục thì có thể bị truy tố về tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật.
Cũng là tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật thông qua việc bắt cóc nhưng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người có hành vi phạm tội lại bị xem xét xử lý hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chứ không phải là Tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật.
Còn đối với trường hợp bắt cóc trẻ em, dụ dỗ trẻ tháo bông tai, dây truyền vàng của nạn nhân như vụ một số học sinh trường tiểu học huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Na thì tính chất vụ việc lại không dừng lại ở việc bắt, giữ mà đã có những yếu tố của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có thể thấy, từ một hành vi bắt cóc người mà dẫn đến những diễn biến phức tạp trong quá trình xác định tội danh. Do đó xác định căn cứ từ những dấu hiệu đặc trưng của hành vi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng. Thiết nghĩ việc áp dụng hình phạt, chế tài thích đáng, đúng người đúng tội của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ là cơ sở để răn đe và ngăn chặn tình trạng bắt cóc người, xâm phạm quyền được Nhà nước và pháp luật bảo hộ về bất khả xâm phạm thân thể và quyền tự do cơ bản một công dân.
Giang Quyết