Công khai cán bộ sai phạm
Đứng trước những vấn đề khó khăn về kinh tế, việc phanh phui những vụ tham nhũng góp phần lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Từ sau vụ bắt ông Dương Chí Dũng (55 tuổi, nguyên Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam) cơ quan chức năng đã liên tiếp đưa hàng loạt cán bộ vi phạm khác ra xử lý theo pháp luật. Đây được coi là các dấu hiệu tích cực trong việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, củng cố niềm tin của người dân đối với các cơ quan Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, phanh phui những sai phạm trở nên dứt khoát, kịp thời ngăn chặn tổ chức, cá nhân cán bộ vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa.
Việc ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Phú Yên bị đề nghị khai trừ Đảng, buộc thôi việc và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật đã thể hiện sự dứt khoát trong lãnh đạo tỉnh này. Theo nguồn tin từ Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên thì ông Nguyễn Ngọc Bảo đã cùng vợ, cháu ruột và một số người thân tổ chức đường dây khép kín nhận tiền của nhiều người suốt một thời gian dài để chạy việc vào các cơ quan Nhà nước. Không những thế ông Bảo còn vay mượn tiền của nhiều người dây dưa lâu trả, gây ảnh hưởng xấu hình ảnh cán bộ địa phương. Kịp thời ngăn chặn hành vi trên của ông Bảo và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của cơ quan chức năng tỉnh này là động thái tích cực, thực hiện đúng luật phòng, chống tham nhũng.
Mới đây, ông Trần Trung Dũng (SN 1954, Phó chánh thanh tra sở VH-TT&DL TP. Cần Thơ) bị bắt vì tội tham nhũng là một minh chứng. Theo hồ sơ của cơ quan chức năng thì thời gian còn làm Hiệu trưởng trường Trung cấp TDTT Cần Thơ (trực thuộc sở VH–TT&DL TP. Cần Thơ), ông Dũng có liên kết với hai trường nghiệp vụ thể dục, thể thao tại TP.HCM để đào tạo, ông này cùng bà Nguyễn Lan Thùy (SN 1977, thủ quỹ nhà trường) đã biển thủ 800 triệu đồng. Hơn nữa, các cơ sở vật chất trong trường được sửa chữa cũng bị làm sai giấy tờ để chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của công. Sau khi ông Dũng bàn giao chức vụ hiệu trưởng trường và về làm Phó chánh thanh tra Sở thì sự việc được điều tra làm rõ.
Việc xử lý, thanh lọc những “con sâu” trong bộ máy lãnh đạo và công khai vụ việc là những động thái tích cực, minh bạch. Chi cục Thuế TP.HCM đã xem xét kỷ luật với ông Nguyễn Ngà, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Tân Bình vì lý do trên. Sự việc được phát giác khi có lời khai của cán bộ Chi cục Thuế quận Tân Bình bị bắt. Theo cơ quan chức năng, ông Ngà đã biết cấp dưới có hành vi nhận tiền doanh nghiệp sau đó về bồi dưỡng cho ông nhưng ông không ngăn chặn. Lãnh đạo sai phạm khiến thuộc cấp cũng có hành động tương tự. Hàng loạt cán bộ khác thuộc Chi cục Thuế quận Tân Bình cũng bị kỷ luật đều liên quan đến vụ việc trên. Việc thực hiện thanh tra tổng thể, phát hiện sai phạm và xử lý, đồng thời công khai với cơ quan truyền thông là tín hiệu đáng mừng, cần duy trì của các cơ quan chức năng ban ngành.
Ông Trần Trung Dũng nhận bằng khen về thành tích trong công tác đào tạo, giáo dục khi còn làm Hiệu trưởng.
Động thái tích cực
Hàng chục cá nhân và tổ chức bị xử lý kỷ luật Liên quan đến những sai phạm của các tổ chức và cá nhân, tỉnh ủy Bình Dương vừa đưa hàng chục người ra kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trong số này có cả Giám đốc sở Giao thông – vận tải và một Phó Giám đốc Sở. Đây là lần đầu tiên một tỉnh ủy phía Nam xử lý cán bộ và công khai trên các phương tiện đại chúng. Điều này thể hiện tính quyết đoán và quyết tâm thanh lọc những cán bộ sai phạm nhằm làm trong sạch bộ máy, tạo lòng tin cho nhân dân. |
Dư luận gần đây quan tâm nhiều đến những vụ tham ô liên quan đến cán bộ Nhà nước bị bắt được đăng trên các mặt báo. Đa số các ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn trong vấn đề xử lý những sai phạm của cán bộ làm trái pháp luật. Bên cạnh những quan ngại, có nhiều ý kiến của người dân đồng tình với việc công khai cán bộ phạm tội. Điều này vừa có dấu hiệu cảnh tỉnh tích cực từ các cơ quan hành pháp vừa để răn đe những đối tượng chấp pháp.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định, Thành viên Hội Luật gia Châu Á bày tỏ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với việc các cán bộ vi phạm bị bắt được công khai trên các phương tiện thông tin. Điều này bảo đảm quyền dân chủ của người dân, dân có quyền được thông tin những gì mà họ cần phải biết. Những vụ việc đã được công khai cũng đã thực hiện tốt và đúng quy định. Vì cơ bản chỉ công khai vụ việc, những sai phạm của cá nhân cán bộ vi phạm chứ không phanh phui lý lịch cá nhân không liên quan của họ nên không hề phạm luật. Hơn nữa, các vụ tham nhũng của “quan tham” trong thời buổi kinh tế khó khăn đang là điểm nóng khiến dư luận bức xúc. Vì thế, những gì dân bức xúc thì nên công khai để dân có cái nhìn thấu đáo về những vụ việc. Ngoài ra, khi dân có yêu cầu được công khai các vụ việc để có cái nhìn khách quan, thì cơ quan điều tra phải có trách nhiệm công khai trước dân”.
Đồng với quan điểm trên, kiểm sát viên Nguyễn Anh Tuấn, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết: “Những người đứng đầu ngành, đầu sở, những cán bộ Nhà nước bị bắt vì những tội danh khác nhau và được công khai những vụ việc này là thể hiện tính khách quan của vụ việc. Động thái tích cực này còn thể hiện tính minh bạch, dân quyền và là một bước tiến mới của Nhà nước. Mạnh tay xử lý những sai phạm để loại trừ những “con sâu” trong bộ máy quản lý Nhà nước là điều hết sức cần thiết. Việc công khai vụ việc không chỉ thể hiện tính dân chủ mà còn có hiệu quả cảnh báo, răn đe những cán bộ có dấu hiệu sai phạm hay đã sai phạm nhưng chưa bị phát hiện. Để xảy ra những sai phạm trên một phần là do công tác bố trí cán bộ không hợp lý theo năng lực. Bên cạnh đó, khâu quản lý cũng có phần cơi nới, lỏng lẻo”.
Trao đổi với PV, Giáo sư – tiến sỹ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa – Du lịch TP.HCM nhận định: “Tình hình kinh tế xã hội cũng như an ninh - trật tự xã hội hiện nay đang khiến nhiều người lo lắng. Tham nhũng, lãng phí, cố ý làm trái quy định khiến ngân sách Nhà nước bị thất thoát đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Trong khi đó, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của những cơ quan chức năng chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều vụ việc được cho là có nhiều dấu hiệu vi phạm nhưng vẫn không thể phát hiện được tiêu cực, tham nhũng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vẫn còn nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân. Trong bất kỳ xã hội nào cũng có những vấn nạn và những bất công. Công khai những vụ sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên truyền thông giúp cho việc kiểm soát lẫn nhau giữa Nhà nước và nhân dân, tạo nên tính minh bạch xã hội”.
“Mặt trái của vấn đề này là có những thông tin được công khai nhưng chưa được xử lý, điều tra. Sau khi điều tra mà sai sự thật sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, và sâu xa hơn có thể ảnh hưởng đến đường lối và uy tín của nhiều cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, việc công khai là điều cần thiết, và ở một góc độ nào đó, điều này tạo ra nhiều hiệu quả tích cực. Cần thông tin những vụ sai phạm của cán bộ Nhà nước tới cùng, bảo đảm việc xử phạt một cách nghiêm khắc”, Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Gia Hiền cho biết thêm.
Xử lý mạnh tay để có tính răn đe Luật sư Nguyễn Đăng Liêm cũng cho biết: “Một bộ phận người dân thiếu tin tưởng, hay bất mãn về cách làm việc của nhiều cơ quan Nhà nước, bởi liên tiếp những vụ tham nhũng và những sai phạm bị xử nhẹ hay thậm chí có dấu hiệu xử cho có. Tham nhũng thường gây thất thoát một nguồn tài sản sớn, trong khi ngân sách Nhà nước chưa thể cân đối thu chi, thậm chí có những thời điểm thiếu hụt. Các quan tham bị phanh phui, bị bắt để khởi tố điều tra mới chỉ là bước đầu. Còn việc xác định tội danh gì, mức án ra sao còn do tòa án phán quyết. Tuy nhiên, theo tôi, xử lý “quan tham” nên mạnh tay để răn đe tránh trường hợp bản án xử nhẹ làm dân bức xúc”. |
Phân công không đúng chuyên môn là nguyên nhân gây tham nhũng?
Nhiều người đứng đầu ngành, đầu sở đã nỗ lực cống hiến, có nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy lĩnh vực mình đang phụ trách phát triển, đem lại lợi ích cho quốc gia. Nhưng cũng có nhiều cán bộ lợi dụng nghề nghiệp để tư lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhưng loại tội phạm này thường khó phát hiện để xử lý, những vụ việc bị đưa ra pháp luật chỉ là con số quá nhỏ so với thực tế.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan An, nguyên Giám đốc Trung tâm Dân tộc học (viện Khoa học Xã Hội vùng Nam Bộ) cho biết: “Nhiều người lợi dụng chức vụ và nghề nghiệp để tư lợi bản thân có dấu hiệu ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng tinh vi. Sự quản lý Nhà nước yếu kém, giao quyền lực cho người đứng đầu quá nhiều, phân công cán bộ không đúng chuyên môn là những nguyên nhân khiến nạn tham nhũng và những sai phạm ngày càng nghiêm trọng. Các cơ quan Nhà nước cần phải công khai, minh bạch trong công việc. Dân có quyền biết và được giám sát những việc làm, đặc biệt là những sai phạm của cán bộ Nhà nước. Một khi thông tin được minh bạch thì nạn tham nhũng và những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ giảm. Theo tôi, không chỉ riêng bản thân những cán bộ vi phạm bị xử lý, mà các cơ quan quản lý cán bộ sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm cho những hành vi sai trái này”.
Cũng theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan An, các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra cần làm việc công tâm hơn để phát hiện những sai phạm. Việc xử phạt những cán bộ tham nhũng đã có luật pháp quy định. Nhưng cũng cần nghiêm trị, những tài sản tham ô cần phải điều tra kỹ và thu hồi một cách triệt để. Như thế mới mong giảm được nạn tham nhũng và những sai phạm của cán bộ Nhà nước. Trước đây, sai phạm của những người đứng đầu ngành, đầu sở thường không được thông tin mà chỉ tự giải quyết. Thời gian gần đây, những vụ việc vi phạm được công khai để bảo đảm việc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Theo tôi, đây có là dấu hiệu đáng mừng trong việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc công khai những cán bộ vi phạm trên truyền thông cũng có mặt trái, nó có thể làm cho vấn nạn tham nhũng, làm thất thoát ngân sách Nhà nước ngày càng tinh vi hơn. Bởi những cán bộ có sai phạm mà chưa bị bắt sẽ rút kinh nghiệm, đề phòng hơn trong việc làm sai trái của mình. Nếu các cơ quan chức năng không siết chặt quản lý, thanh, kiểm tra nghiêm ngặt thì vấn nạn này ngày càng nguy hiểm hơn cho xã hội, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan An lo ngại.
Còn qua đường dây nóng của báo, một độc giả ở tỉnh Thái Bình (0363830xxx) bức xúc đặt vấn đề: Vì sao nhiều đối tượng “đói ăn vụng túng làm liều” đi ăn trộm, ăn cắp bị các cơ quan tố tụng đưa ra xét xử lưu động. Vậy vì sao những kẻ tham nhũng lớn (“ăn cắp” một số tiền rất lớn của dân của nước, gấp hàng trăm, hành triệu lần số tài sản mà các đối tượng trộm cắp “chôm” được) lại không bị đưa ra xét xử lưu động trước đông đảo nhân dân, để làm gương cho các “quan tham” khác chưa bị phát hiện và củng cố lòng tin trong nhân dân.
Công Thư – Hoàng Minh