Trộm xe 8 tỉ bỏ trốn gây tai nạn: Ai đền bù cho người bị tai nạn?

Trộm xe 8 tỉ bỏ trốn gây tai nạn: Ai đền bù cho người bị tai nạn?

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Chủ nhật, 30/04/2017 10:27

Thấy chủ xe tiền tỉ để xe ven đường vào mua hàng, Linh nhanh chân lẻn vào điều khiển xe bỏ chạy. Trên đường tẩu thoát, hắn gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi xe máy. Vậy hắn sẽ bị xử lý ra sao?

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, vào khoảng 22h ngày 28/4, anh Bùi Tuấn Anh (SN 1991), ở khu đô thị Royal City, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân điều khiển chiếc xe Range Rover autobiography (có giá khoảng trên dưới 8 tỉ đồng) đi từ cổng chính Royal City hướng đường Nguyễn Trãi đến phố Tây Sơn. Khi đến trước số nhà 125 Tây Sơn (cửa hiệu thuốc Tây), anh Tuấn Anh đã dừng lại để mua thuốc.

Khi dừng xuống xe mua thuốc, anh Tuấn Anh không tắt máy ô tô. Đúng lúc đó, Nguyễn Duy Linh (SN 1984, quê Yên Bái), hiện đang ở trọ tại ngõ Cự Lộc - phường Thượng Đình - quận Thanh Xuân đã lẻn vào, chốt cửa. Phát hiện sự việc, anh Tuấn Anh lao ra giật cửa trái nhưng không được còn đối tượng phóng xe bỏ chạy.

Góc nhìn luật gia - Trộm xe 8 tỉ bỏ trốn gây tai nạn: Ai đền bù cho người bị tai nạn?

 Đối tượng Linh tại cơ quan công an

Đối tượng sau đó bị bắt giữ. Cơ quan công an cho hay: Sơ bộ điều tra, trong quá trình bỏ chạy, Linh đã điều khiển xe gây tai nạn tại 3 điểm. Cụ thể: Tại trước cửa số nhà 664 Đê La Thành, chiếc xe ô tô do Linh điều khiển va chạm với 1 xe máy BKS: 29C do một phụ nữ điều khiển khiến chị này bị xây xước nhẹ phải vào sơ cứu tại bệnh viện Xanh Pôn.

Tiếp đó, trước cửa số nhà 35 Nguyễn Chí Thanh, chiếc xe va chạm với 1 xe máy BKS: 29B1 do chị Trần Thị Hạnh điều khiển đèo theo cháu Phan Đức Hiển (SN 2002). Hậu quả khiến cháu Hiển đứt gót chân trái đang được điều trị tại bệnh viện 354… Điểm thứ 3 là tại ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, hư hại nhiều xe máy.

Tại cơ quan công an, đối tượng Linh khai nhận do nợ nần nên thực hiện vụ trộm xe nói trên để bán lấy tiền trả nợ.

Liên quan đến vụ việc này, luật gia Đinh Xuân Thắng cho rằng, hành vi trộm cắp của Linh là táo tợn và hết sức coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của anh Tuấn Anh.

Căn cứ vào lời khai nhận của đối tượng tại cơ quan công an, căn cứ vào diễn biến vụ việc có thể thấy hành vi của Linh có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS.

Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 138, nếu đối tượng trộm cắp số tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Căn cứ vào  quy định pháp luật, có thể thấy rằng, Linh khó thoát án phạt tù mà ngược lại phải chịu mức án ở khung hình phạt khá cao do tài sản trộm cắp có giá trị lớn. Chiếc xe là tang vật của vụ trộm sẽ được cơ quan công an mang đi định giá để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Linh cũng có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định định tại Điều 202 BLHS. Theo đó, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

Góc nhìn luật gia - Trộm xe 8 tỉ bỏ trốn gây tai nạn: Ai đền bù cho người bị tai nạn? (Hình 2).

 Bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân do kẻ trộm xe phải chịu

Theo khoản 2 Điều này, thì nếu không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định, gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Theo luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, về vấn đề bồi thường cho những  người bị tai nạn trong quá trình xe chạy trên đường gây ra, là trách nhiệm của tên trộm xe chứ không phải của chủ chiếc xe này.

Vấn đề bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định pháp luật. 

Việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 609 BLDS 2015 về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm.

Điều 609 về Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Xuân Hòa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.