Theo Quyết định số 25/2013 ban hành ngày 4/5 thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường và trong thời gian chậm nhất là một (01) ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.
Quyết định này quy định Người phát ngôn cũng như Người được ủy quyền phát ngôn phải là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước; có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và thái độ trung thực khách quan. Người phát ngôn và Người được ủy quyền phát ngôn còn phải am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí.
Ông Vũ Đức Đam, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Người phát ngôn nếu đi vắng mà không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để Người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, Quy chế cũng nêu rõ việc ủy quyền phát ngôn phải được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.
Quy chế cũng ghi nhận những trường hợp cụ thể Người phát ngôn và Người được quỷ quyền phát có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo đó đối với những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; nghiên cứu giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được cung cấp thông tin cho báo chí;Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến thì Người phát ngôn và Người được ủy quyền phát ngôn có quyền, nghĩa cụ từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Quyết định này gồm gồm 3 chương, 10 điều, từ ngày 1/7/2013 sẽ thay thế Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 4. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây: 1. Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận. Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là một (01) ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra. 2. Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu tại Khoản 1 Điều này. 3. Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật. |
Giang Quyết