Hướng đi mới cho người dân vùng sâu
Những năm gần đây, cây vải thiều không chỉ mở ra hướng đi mới cho một địa phương vùng sâu của xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk mà còn mang đến cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trao đổi về vấn đề này với Người Đưa Tin, anh Chảo A Pính (trú tại thôn Giang Đông, xã Ea Dăh) cho biết, nhiều năm trước bà con kéo nhau vào đây lập nghiệp. Trên vùng đất mới, mọi người trồng mì, trồng bắp trang trải qua ngày.
Thế nhưng, do đất kém dinh dưỡng, nước tưới lại thiếu nên cây phát triển kém, năng suất rất thấp. Nguồn thu nhập ít ỏi, lúc có lúc không đã khiến cho đói nghèo bủa vây nhiều hộ dân.
Sau đó, thấy nhiều hộ dân tại địa phương trồng cà phê, cây ăn trái, ông Pính cũng đầu tư làm đất, đào hố, mua giống về trồng. Tuy nhiên, mọi kế hoạch chuyển đổi cây trồng đều thất bại. Điều này khiến cho gia đình ông tiếp tục gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Cho đến khi được cán bộ nông nghiệp, chính quyền địa phương động viên chuyển đổi trồng cây vải thiều chín sớm, ông Pính không khỏi ái ngại và lo lắng cây vải thiều cũng còi cọc và không phát triển được như những cây trồng khác.
Tuy nhiên, khi được hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ông Pính đã mạnh dạn xuống giống cây trồng đặc sản của miền Bắc trên điện tích đất cát trắng pha sỏi của gia đình mình. Và rồi, điều bất ngờ đã xảy ra, khác với những lo lắng của ông Pính và nhiều hộ dân khác, cây vải bám rễ nhanh, xanh tốt.
Đến nay, sau 4 năm, vải thiều đơm hoa, kết trái và gia đình ông Pính đã có thể thu bói mùa đầu tiên. Theo đó, 1,5ha vải của gia đình anh Pính, dự kiến thu được khoảng 1 tấn trái. Với giá bán 25-30 nghìn đồng/kg, giờ đây gia đình anh không còn phải lo đói nghèo nữa. Không chỉ vậy, bà con địa phương còn hy vọng có thể thoát nghèo nhờ cây vải.
Tương tự, ông Chảo Pí Ngọc (cùng trú tại thôn Giang Đông) cho hay, ông được hỗ trợ cây giống, phân bón và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật tận tình trồng. Sau 4 năm chăm sóc, 5 sào vải của gia đình ông đã phủ xanh đồi trọc, có nhiều cây trĩu quả.
Theo tìm hiểu, Giang Đông là thôn nghèo nhất xã Ea Dăh. Toàn thôn có 182 hộ dân với hơn 980 nhân khẩu, chủ yếu đồng dân tộc Mường và dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Nơi đây, đất đai cằn cỗi, chủ yếu đất cát pha sỏi, khí hậu khắc nghiệt nên người dân chỉ trồng được cây bắp, cây mì… Thế nhưng, năng suất thấp nên nhiều năm qua đói nghèo liên tục bủa vây cuộc sống người dân.
Tiếp tục mở rộng diện tích
Ông Lê Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Ea Dăh cho biết, do đất xấu, khí hậu không thuận lợi nên trước đây, người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng.
Với mong muốn giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã đưa nhiều loại cây trồng như bơ, sầu riêng, cà phê, mì về trồng thử nghiệm nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cho đến khi thử nghiệm mô hình trồng vải thiều chín sớm đã tạo ra chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả nhất định, giúp địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số từng thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, trên địa bàn có hơn 100ha vải thiều, chủ yếu ở các thôn: Giang Hà, Giang Thành, Giang Châu... Trong đó, diện tích vải đã cho thu hoạch khoảng hơn 70ha.
Ông Hiển cho biết thêm, hiện xã xác định cây vải thiều là cây trồng chủ lực tại địa phương.
Thời gian qua, UBND xã đã có phương án phát triển diện tích trồng vải thiều tại các thôn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Ngoài ra, xã cũng tiếp tục phát triển các loại cây trồng truyền thống như: cà phê, mắc ca, sầu riêng... giúp người dân tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.
Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng cho biết, xã Ea Dăh hiện có khoảng 140ha vải U hồng chín sớm. Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thêm một mô hình nữa với 3ha vải ở thôn Giang Đông đến năm 2024.
Từ đó, từng bước chuyển cây vải thành vùng nguyên liệu quy mô lớn ở Ea Dăh. Đặc biệt, cây vải vào thời kỳ kinh doanh, thu hoạch khoảng 14 tấn quả/1ha, với giá như hiện nay người dân thu nhập vài trăm triệu đồng.
Khánh Ngọc