Trông đào quất thuê và 1001 chuyện cười ra nước mắt

Trông đào quất thuê và 1001 chuyện cười ra nước mắt

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Chủ nhật, 11/02/2018 06:00

Hà Nội đang trong những ngày rét đậm, càng về khuya trời càng lạnh. 23h30, các con phố đã bắt đầu ngớt người qua lại. Nhiều người lao động vẫn co ro trong chiếc áo mưa thức trông đào thuê thâu đêm.

Tại một số vỉa hè phố Lạc Long Quân, Âu Cơ,… những ánh đèn đỏ quạch hắt ra từ căn lều bạt dựng tạm của những người trông đào, quất thuê. Thảng hoặc đâu đó có tiếng ho khan của những phận người ngồi hứng sương đêm, chịu những cơn gió bắc lạnh thấu da chỉ để mong kiếm được món tiền vào những ngày cuối năm mang về gia đình có một cái Tết sung túc...

Đầu tháng Chạp, nhiều hộ dân, chủ vườn ở Tây Hồ (Hà Nội) đã vận chuyển đào, quất xuống vỉa hè của các tuyến đường đẹp để bán. Trên đường Lạc Long Quân (từ ngã ba Âu Cơ đến Xuân La) có tới vài chục hộ kinh doanh đào quất. Để bảo vệ, vận chuyển đào, mỗi hộ kinh doanh tại đây thường thuê từ 2-4 nhân công lao động tỉnh xa.

Để chống chọi với cái lạnh, những người canh đào, quất thuê thường dựng tạm lều, hoặc chỉ cần một chiếc giường gấp để làm chỗ ngủ qua đêm.

PV báo ĐS&PL có mặt tại chợ hoa Quảng Bá (đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) vào 23h30, từng đợt gió thổi rít qua kẽ tai lạnh buốt. Tại chợ Quảng Bá, không khí mua bán các loại hoa: Lay ơn, hồng, cúc, hoa ly... vẫn diễn ra sôi nổi. Cách đó khoảng 300m, không khí có phần vắng lặng. Đây là khu bán đào Nhật Tân, đào rừng và quất.

Dân sinh - Trông đào quất thuê và 1001 chuyện cười ra nước mắt

Người trông đào thức thâu đêm hứng chịu cái lạnh cắt da cắt thịt.

Anh Nguyễn Văn Đức (32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đang lúi húi bên đống lửa sưởi ấm thấy chúng tôi tiến đến tưởng khách hàng. Sau một hồi nói chuyện, anh Đức chia sẻ: “Tôi chỉ là người làm thuê để vận chuyển đào và trông coi. Ngoài tôi ra còn một anh bạn nữa, hai người chia nhau trông,  anh ấy đang ngủ trong lều kia”.

Anh Đức làm nghề thợ xây nhưng thời điểm gần Tết các công trình hầu như đã hoàn thiện nên anh “khăn gói quả mướp” đi kiếm việc để có thêm chút tiền cho gia đình chi tiêu dịp Tết.

“Tôi với bạn xuống đây từ đầu tháng. Không có việc gì làm thì xuống Hà Nội ai thuê gì làm nấy. Mọi năm tôi chỉ chở thuê còn năm nay thì “bao” luôn cả chở và trông đào. Tính cả công chở và trông đêm thì tiền công cả ngày và đêm cũng được 500.000 đồng”, anh Đức chia sẻ.

Nhấp ngụm nước chè, anh Đức ngậm ngùi: "Mọi năm tôi cũng làm công việc thời vụ này nên quen với tiếng xe cộ, quen với ánh đèn pha rọi thẳng vào mắt, quen với những cơn gió lạnh thấu xương cùng với sương đêm. Chứ như anh bạn cùng trông với tôi, anh ấy không tài nào ngủ được bởi đây là lần đầu làm công việc này”.

Theo anh Đức, công việc này cũng không vất vả vì ban đêm ít người mua, thường khách hàng mua ban ngày. Chính vì thế, nhiều hôm toàn ngồi không nhưng vẫn phải thức vì nhỡ đâu có khách mua thì cần vận chuyển. “Mấy hôm nay thì có người thuê nên phải bê lên xe rồi đi theo xe tải tới tận nhà người ta. Về được lán có khi đã 2-3h đêm; lúc đó mới kiếm cái gì ăn rồi anh em lại chong đèn đến sáng. Năm đầu tiên tôi mới đi trông đào thuê kiêm vận chuyển, nghe chủ bảo “cẩn thận gãy tay”. Lúc ấy, tôi tưởng chủ lo mình bê nặng quá chẳng may sơ sẩy gãy tay. Nhưng hóa ra không phải, ông chủ lo “gãy tay đào” (cành đào – PV). Vì đúng là nếu gãy cành đào thì công đi làm của tôi chẳng đủ tiền mà đền”, anh Đức chia sẻ.

Theo những người trông đào thuê tại đây, thông thường họ sẽ làm việc đến ngày 30 Tết. Những người ở xa chỉ kịp bắt chuyến xe cuối về nhà còn không thì chạy xe máy. "Nghề nào cũng có cái vất vả của nó. Chúng tôi đi làm thuê nên chẳng nề hà công việc nặng nhọc, rét mướt, chỉ mong có cái Tết lo đủ đầy cho con cái không thấy tủi thân so với  chúng bạn”, anh Đức tâm sự.

Còn nữa... 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.