Liên quan đến việc hoa sữa đồng loạt nở rộ bất thường “tra tấn” người dân Thủ đô, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng cũng khẳng định, mùi của cây hoa sữa nồng nặc rất khó chịu. Đặc biệt càng trồng nhiều thì mùi hoa quyện vào nhau tỏa ra làm “khốn khổ” những người sống gần.
Ông Nguyễn Lân Hùng cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều thành phố khác trên cả nước cũng trồng loại cây này, trong đó có nơi đã phải chặt đi do người dân kêu quá nhiều.
Chỉ ra tiêu chí chọn cây đô thị, ông Nguyễn Lân Hùng cho hay: “Thứ nhất, cây phải đáp ứng về độ an toàn như không độc hại, không gãy đổ; thứ hai là cây có bóng mát; thứ ba, cây có chiều cao vừa phải; cuối cùng là về thẩm mỹ, hoa phải đẹp… “Cây hoa sữa đáp ứng đủ 3 điều kiện đầu tiên nhưng hoa của cây này mùi rất nồng nặc. Vì thế, không nên lựa chọn trồng trong đô thị, khu đông dân cư, thậm chí khi trồng trong công viên người ta cũng phát sợ”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng lưu ý.
Cùng trao đổi với PV, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng tán thành việc cây hoa sữa có mùi hương khó chịu. Tuy nhiên, ông Khả cho rằng, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mùi hoa sữa độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo ông Khả, cây hoa sữa có tán và chiều cao phù hợp để chọn làm cây đô thị. Thế nhưng, vì mùi hương quá nồng nặc không nên phát triển và trồng tiếp loài cây này. “Tôi cho rằng không nên chặt bỏ nhưng cũng không nên trồng mới”, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp nói thêm.
Còn TS. Nguyễn Tiến Hiệp (trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam) cho rằng, hoa sữa nên được trồng nhưng không thể trồng dày đặc như ở Hà Nội bởi có mùi khó chịu. Đồng thời vị chuyên gia đặt câu hỏi tại sao trước đây Hà Nội lại trồng hoa sữa nhiều đến thế?
Còn theo nhà dược học Phan Quốc Kinh, tuy ông không nghiên cứu sâu về loài này nhưng mùi hoa sữa quả thực nồng nặc khiến người dân khó chịu, cũng vì lý do này mà một số tỉnh thành đã phải chặt bỏ.