Trong ký ức của mình

Trong ký ức của mình

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 6, 26/01/2024 07:00

Văn hóa phải là cái gì đấy lặn vào bên trong, nó tiềm ẩn và sâu sắc, nó tích lũy và điềm đạm, nó thậm chí rất cô đơn và khó hiểu, mong manh nữa.

Hôm rồi tôi viết bài “Lan man về văn hóa” đăng trên “Người đưa tin”, nhiều bạn vào đọc và cổ vũ. Nhiều người gửi cho tôi những kiến giải về văn hóa rất hay, đơn giản mà thiết thực, dễ hiểu mà hàm ngôn, họ soi chiếu từ cuộc đời họ, gia đình họ, dòng họ của họ...

Và quả là, soi từ ký ức của mình, cái thời xửa xưa ấy, chúng ta từng sống trong những môi trường văn hóa rất đẹp, lành mạnh và nhân văn. Tất nhiên không có gì là hoàn hảo, cái thời xưa ấy nó cũng trì níu cũng bị coi là lạc hậu.

Và cũng vì coi nó là lạc hậu nên ta đả phá, có phần quá đà, nên giờ lại... xây dựng.

Giờ du lịch đang phát triển, trở thành nền kinh tế mũi nhọn, ít nhất là chúng ta mong thế, và thế giới họ cũng làm thế. Chả thế mà nước ta gộp Văn hóa Du lịch vào một bộ. Nhưng mà, không khéo du lịch sẽ bóp chết văn hóa, trong khi nhẽ đúng là, văn hóa phải là mục đích của du lịch chứ không phải là phương tiện của du lịch.

Văn hóa quyết không chỉ là cái bề nổi, là cờ đèn kèn trống, là những đám đông sắc màu. Văn hóa phải là cái gì đấy lặn vào bên trong, nó tiềm ẩn và sâu sắc, nó tích lũy và điềm đạm, nó thậm chí rất cô đơn và khó hiểu, mong manh nữa. Nó là văn hiến, là toàn bộ giá trị xã hội do con người viết hoa tạo ra. Erotxtrat, kẻ đốt đền vĩ đại, rất nổi tiếng trong lịch sử, nhưng y không phải là hiện thân của văn hóa.

Cũng như thế, Pol pot, Hít Le, Tần Thủy Hoàng... không phải là văn hóa dù họ có thể tạo nên những giá trị, nhưng đấy là những giá trị phản văn hóa. Trong khi Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa.

Vậy nên tôi tâm đắc với ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, trong không khí mà mọi người lo đổ xô và quay cuồng làm giàu bất chấp mọi giá trị, thì nó chính là, và phải là, cái thắng để giữ con người dừng lại ở bến bờ của sự hướng thiện hướng mỹ, ở bến bờ của yêu thương và khát vọng làm người.

Với tôi, văn hóa trong tôi chính là ký ức của tôi, những ký ức khốn khổ đến đau đớn một thời nhưng lại cứ trong veo cảm xúc. Và tôi nâng niu nó…

Tôi nhiều quê lắm. Mẹ thì Ninh Bình, ba thì Huế, lại đẻ ở Thanh Hóa, thời chiến tranh phá hoại đi sơ tán lênh đênh nhiều nơi ở miền bắc, rồi giờ sống ở Tây Nguyên. Bù lại tôi có sự pha trộn văn hóa của nhiều vùng đất, và tôi có quyền nhấm nháp những tinh hoa của từng vùng đất tôi đã sống.

Và tất cả những tinh hoa ấy, gắn với mẹ tôi, người đàn bà không lam lũ vì cụ đi thoát ly từ năm 1945, nhưng là hiện thân của sự vượt lên khốn khó tảo tần và nghị lực sống. Mẹ tôi là người gieo vào tôi tình yêu văn chương từ bé vì cụ thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ và truyện Nôm khuyết danh…      

Lại nhớ có thời, trong lý lịch có mục khai: Trình độ văn hóa. Người ta đã đồng nhất học vấn với văn hóa, mặc nhiên coi những người không đi học, học ít là ít văn hóa, mặc định học vấn cao thì văn hóa cao. Và thế là bao nhiêu những gì liên quan tới ngày xưa, cái thời các cụ ít đi học ấy, là thiếu văn hóa. Thế nên, nhiều đình chùa miếu mạo bị phá, nhiều phong tục đẹp bị thay. Tôi cho rằng, văn hóa nó quyết không phải là học vấn, mà nó là toàn bộ hành vi của con người với xã hội, với cuộc đời này. Nó là cái còn lại khi tất cả đã hư vô.

Đa chiều - Trong ký ức của mình

Ảnh minh họa.

Tất cả các lễ hội dân gian đều xuất phát từ chính đời sống của cư dân ở cộng đồng ấy, nó gắn với cộng đồng, và những gì còn lại đến hôm nay là thứ tinh túy nhất, hữu ích nhất, dẫu có thể dưới con mắt đương đại nó lạc hậu, nhưng nó phải có một thứ gì đấy để dẫu người bây giờ thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn phải tuân phục nó.

Giờ chúng ta “thay mặt nhân dân” để tổ chức các lễ hội dân gian theo hướng sân khấu hóa, hiện đại hóa, có ban bệ có kính thưa kính gửi, có dự trù kinh phí và có kịch bản được duyệt trước, bị nâng lên đặt xuống góp ý sửa chữa... Nhiều kịch bản được viết ra bởi những người không hiểu biết vùng đất ấy, phong tục ấy, và cũng như thế với các đạo diễn chuyên nghiệp, cuối cùng các lễ hội dân gian biến thành những thứ tạp pí lù rất khó gọi tên bởi, cái cốt lõi của nó, cái làm nên hốn cốt của lễ hội, nó ở lại làng rồi, các nghệ nhân được đưa lên phố, họ trở thành những diễn viên bất đắc dĩ, họ diễn chính họ trong những cái xác không hồn, bởi tất cả xung quanh là vô cùng xa lạ với họ, bởi cái thế giới tâm linh mà họ tôn thờ trong tâm tưởng lại cứ bệch bạc ra dưới ánh đèn sân khấu, và bởi họ đang diễn cho người khác chứ không phải đang thành tâm hành lễ cho mình và dân làng…

Nó kiểu giống như, giờ nhà có việc, chúng ta quay trở lại làm rất đúng phong tục cha ông, nhưng khi thực hiện lại phụ thuộc mấy ông nhiếp ảnh, cameraman được mời tới. Các ông ấy mới là người đạo diễn, bảo gì làm nấy để quay phim, chụp ảnh. Nên phong tục kỹ từng cái lạy, lúc nào thì lạy một lạy, lúc nào hai, lúc nào ba, lúc nào bốn lạy. Nhưng nếu chưa kịp chụp chưa kịp quay thì chúng ta phải... diễn lại, thế là các cụ được lạy không hiểu mình ở vai vế nào mà “bị” lạy búa xua thế. Nhiều việc tương tự như vậy đang xảy ra...

Nhưng rồi, tựu trung lại, văn hóa chính là con người. Con người làm ra văn hóa và con người cũng chính là văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho con người, chấn hưng văn hóa chính là chấn hưng con người. Các thiết chế văn hóa chỉ là phương tiện. Thế nên giáo dục chính là cái cần đầu tư để có một lớp người biết ứng xử với văn hóa và làm ra văn hóa đúng nghĩa. Những con người biết ứng xử tử tế, nhân văn với nhau, hài hòa với với tự nhiên. Sống thanh thản, vị tha, không bon chen, không tranh nhau bằng mọi giá. Những con người biết sống có ích và sống thanh cao, yêu tổ quốc, nhân dân từ những hành động nhỏ nhất, trọng danh dự cá nhân và danh dự cộng đồng...

Vai trò của văn hóa bây giờ rất quan trọng, nó làm nhiệm vụ níu giữ, nó bảo tồn, nó nâng niu giá trị, nó neo con người lại ở phần tinh hoa, phần tốt đẹp.

Và trước hết, nó bớt những xả rác bậy, nhổ bậy, bớt dắt chó ra công viên ị... Lớn hơn chút, nó bớt đi những tham lam từ tham vặt tới hàng triệu đô, nó tràn đầy tinh thần xả thân vì cộng đồng, vì đất nước vì dân tộc...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.