Ngày 7/10, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho biết kết quả phân tích bốn mẫu xăng từ xe máy của khách hàng và ba mẫu xăng lấy từ bồn chứa của cây xăng Lan Anh phát hiện sáu mẫu có methanol và nước, một mẫu chỉ có nước. Kết quả này ngay sau đó được chuyển cho Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế chức vụ (Công an Q.Bình Thạnh) để điều tra xử lý vi phạm tại trạm xăng dầu Lan Anh.
Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế chức vụ (Công an Q.Bình Thạnh) đang lấy mẫu xăng tại trạm xăng Lan Anh đưa đi phân tích.
Mẫu xăng lấy từ xe của khách chỉ để tham khảo!?
Trung tá Đặng Ngọc Vinh, đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế chức vụ, cho biết: "Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng methanol cao nhất trong mẫu xăng lấy từ bồn là 0,52mg/kg và thấp nhất 0,26mg/kg. Hàm lượng nước cao nhất trong mẫu xăng lấy từ bồn là 376mg/kg và thấp nhất là 126mg/kg.
Kết quả phân tích bốn mẫu xăng lấy từ xe máy của khách hàng có hàm lượng methanol cao nhất là 2,74mg/kg và thấp nhất là 2,72mg/kg. Hàm lượng nước cao nhất là 1.616mg/kg, thấp nhất là 1.275mg/kg.
Ngày 7/10, nhiều người dân đổ xăng tại trạm xăng dầu vào tối ngày 26/9 đã bày tỏ thái độ bức xúc khi cơ quan điều tra công bố các mẫu xăng lấy từ xe của khách chỉ để tham khảo.
Anh Phạm Văn Phúc (26 tuổi, ngụ Q.7, một nạn nhân bị đổ xăng dỏm tại trạm xăng Lan Anh) cho biết: "Tôi không đồng ý về kết luận của cơ quan điều tra là khách hàng đã đổ xăng ở cây xăng nào khác trước đó và còn dư mới chạy đến cây xăng Lan Anh đổ thêm. So sánh kết quả phân tích hàm lượng methanol, nước có trong các mẫu xăng lấy từ xe của khách hàng và từ bồn của cây xăng Lan Anh có sự chênh lệch khá lớn về hàm lượng. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần phải lưu ý lại vấn đề này, bởi nhiều người đổ xăng tại đây khi trong bình đã cạn".
Tuy nhiên, chiều 7/10, trao đổi với Trung tá Đặng Ngọc Vinh về vấn đề này, theo đó Trung tá Vinh cho biết cơ quan điều tra đưa ra kết luận trên bởi sở dĩ có sự chênh nhau trong kết quả phân tích giữa hai nhóm mẫu xăng trên có thể do khách đến đổ xăng thì cây xăng này vừa mới nhập xăng vào bồn, vì thế lượng tạp chất đọng dưới bồn hòa cùng xăng đã bơm thẳng vào xe của khách ngay sau đó.
Có thể bị xem xét, khởi tố vụ án
Ngay sau khi có kết luận các mẫu xăng tại trạm xăng Lan Anh có methanol và nước, những nạn nhân đổ phải xăng dỏm tại trạm xăng này yêu cầu cơ quan điều tra Công an Q.Bình Thạnh phải nhanh chóng khởi tố vụ án để làm nghiêm đối với các cây xăng khác.
Ngày 7/10, PV Người đưa tin trao đổi với Luật sư Phạm Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP.HCM, được biết: "Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6776:2005) dành cho xăng không chì, không được hiện diện của methanol và nước. Như vậy, xăng có methanol và nước là không đạt tiêu chuẩn. Nếu đúng như kết quả phân tích của cơ quan chức năng, chủ cây xăng có thể bị xử phạt hành chính hoặc trường hợp qua tổng hợp kết quả phân tích của cơ quan chức năng cho thấy nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xem xét và khởi tố vụ án".
Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra Công an Q.Bình Thạnh cho biết, hiện cơ quan này vừa đề nghị Sở Khoa học công nghệ TP.HCM tiến hành giám định kỹ thuật và an toàn bồn chứa xăng để đủ bằng chứng để đưa ra phương án xử lý vi phạm đối với trạm xăng Lan Anh. Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, cho biết sở này đã nhận được kết quả phân tích mẫu xăng của cây xăng Lan Anh.
Vụ việc xảy ra vào tối ngày 26/9, khi hàng trăm người dân bắt đền trạm xăng dầu Lan Anh (220 QL13, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vì nghi ngờ họ đổ xăng dỏm khiến xe máy không nổ máy được. |
Hải Nam - Phạm Phúc