Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8, trao thẩm quyền cho trọng tài thương mại được giải quyết các tranh chấp đất đai phát sinh từ hoạt động thương mại.
Đây là một trong nhiều điểm mới của Luật Đất đai 2024, rất phù hợp với xu hướng xét xử, phát triển hiện nay và giảm áp lực cho tòa án.
PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật – Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Chính Nghĩa, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế APEC Việt Nam.
Thêm phương thức giải quyết tranh chấp đất đai
Người Đưa Tin: Theo Luật Đất đai 2024, những tranh chấp đất đai nào được phép giải quyết tại trọng tài thương mại. So với quy định trước đây, việc mở rộng thẩm quyền cho trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp đất đai mang lại những lợi ích gì?
Luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật: Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định mới về hòa giải tranh chấp đất đai bằng hòa giải thương mại (Điều 235); Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết (Điều 236).
Theo đó, đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Trọng tài thương mại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai. Khi Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu thì UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.
Người Đưa Tin: So với quy định trước đây, việc mở rộng thẩm quyền cho trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp đất đai mang lại những lợi ích gì?
Luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật: Luật đất đai chính thức quy định việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết. Các bên tranh chấp có thêm sự lựa chọn đơn vị giải quyết là trọng tài thương mại, bên cạnh cơ chế giải quyết truyền thống là tòa án.
Quy định này là tiến bộ đáp ứng sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, đồng thời phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp trên thế giới bằng phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại.
Việc quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai cho trọng tài thương mại sẽ giúp giảm áp lực giải quyết tranh chấp lên hệ thống tòa án. Từ đó, giúp việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, dứt điểm.
Thêm nữa, góp phần giúp cho việc đầu tư, kinh doanh sẽ minh bạch, bình đẳng, thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhiều lợi ích thiết thực, phù hợp xu hướng xét xử
Người Đưa Tin: Ông có thể cho biết thêm về vai trò và trách nhiệm của luật sư trong việc đại diện cho thân chủ, cũng như lợi ích tham gia giải quyết tranh chấp đất đai tại trọng tài thương mại?
Luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật: Luật trọng tài thương mại, quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đều có quy định các bên có quyền mời luật sư để tham gia giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại. Luật sư sẽ có sự chuyên nghiệp, am hiểu pháp luật và có vai trò, trách nhiệm lớn trong việc giải quyết tranh chấp.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để nguyên đơn, bị đơn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Thủ tục trọng tài đơn giản hơn, thời gian giải quyết tranh chấp sẽ nhanh hơn. Đồng thời, phán quyết trọng tài là chung thẩm (chỉ có 1 cấp) có thể giải quyết dứt điểm tranh chấp nên giảm được tốn kém chi phí, thời gian của các bên.
Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp sẽ đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp nhất là trong lĩnh vực tranh chấp phức tạp liên quan đất đai.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, giúp các bên trong tranh chấp không bị lộ thông tin ra ngoài. Khác với nguyên tắc tòa án xét xử công khai, mọi người đều có thể biết đến.
Người Đưa Tin: Quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại có giá trị pháp lý như thế nào?
Luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật: Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều phán quyết giải quyết tranh chấp liên quan đất đai của trọng tài thương mại đã được Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Long An,… thi hành tương tự như việc thi hành các bản án của tòa án.
Các bên tranh chấp nên nhờ luật sư bảo vệ. Nguyên đơn, bị đơn đều có quyền chọn trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định trọng tài viên.
Người Đưa Tin: Chi phí giải quyết tranh chấp đất đai tại trọng tài thương mại thường cao hơn hay thấp hơn so với chi phí giải quyết tại tòa án?
Luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật: Phí trọng tài do trung tâm trọng tài ấn định nên phí trọng tài của mỗi trung tâm trọng tài là khác nhau không như mức thu thống nhất án phí, lệ phí tòa án theo danh mục án phí, lệ phí tòa án.
Phí trọng tài do các trung tâm trọng tài ban hành hiện nay đều có sự tham khảo so với mức thu án phí, lệ phí tòa án, mức thu có sự chênh lệnh không nhiều. Tôi nghĩ theo thời gian thì mức phí trọng tài ở một số trung tâm trọng tài có thể bằng hoặc thấp hơn mức thu án phí, lệ phí tòa án.
Xin cảm ơn luật sư, trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật.