Qua kết quả đánh giá, trong tháng Bảy, có 10 địa phương có tỷ lệ (%) phương tiện không truyền dữ liệu cao nhất về hệ thống của tổng cục ĐBVN gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Tây Ninh, Bình Phước, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Thuận, Phú Yên, Bạc Liêu và Thanh Hóa. Cả nước có tổng số 161.787 lần vi phạm tốc độ; tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,123 lần/1.000km.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Tháng 7, cả nước có tổng số 640.037 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,083 lần/1.000km, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Các cơ quan chức năng đã xử lý 3.823 xe; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 3.675 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 1 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 147 xe”.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải, tổng cục ĐBVN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo sở GTVT tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có)...
Đồng thời, tiếp tục tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện không truyền dữ liệu, đặc biệt là 10 địa phương có tỷ lệ phương tiện không truyền dữ liệu cao nhất.
Trường hợp, lỗi vi phạm không truyền dữ liệu là do đơn vị cung cấp dịch vụ thiết bị GSHT thì đơn vị vận tải phải có trách nhiệm liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để có biện pháp khắc phục ngay, báo cáo về sở GTVT và phải nêu rõ thời hạn khắc phục.
Đối với những trường hợp vi phạm, sở GTVT yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo giải trình và kiểm tra tính xác thực trước khi ra quyết định xử lý vi phạm. Tổng cục ĐBVN sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất việc quản lý hoạt động vận tải thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT đối với các sở GTVT có nhiều vi phạm hoặc không xử lý vi phạm theo quy định.
Thế Anh