Lễ hội tổ chức hoành tráng, trụ sở khánh thành khang trang, gây lãng phí cho ngân sách - Ảnh: Ngọc Thắng
Dân mình nghèo, sao làm to thế
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, ông Phước cho biết ông đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch. “Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế!", ông Phước ngạc nhiên.
Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc đề nghị Chính phủ thời gian tới phải chuẩn hóa việc xây dựng này, không thể để trụ sở thành nơi du lịch.
Ông cũng bức xúc: “Đề nghị công bố công khai cho cả nước biết. Kể cả trụ sở Tỉnh ủy của các đơn vị xây dựng lãng phí, tổ chức Đảng mà xây dựng nhà lộng lẫy, xa hoa là không được, chúng ta công khai để bảo vệ Đảng, giữ được niềm tin với nhân dân”.
Liên quan đến đầu tư công, ông Phước cũng cho biết khi đi một số tỉnh đều thấy lãnh đạo “kêu” vì chủ trương dừng dự án đầu tư khiến các công trình dang dở bị treo, lãng phí mất hàng nghìn tỉ đồng.
“Phải thống kê chỗ này lại vì liên quan đến cả trách nhiệm của Quốc hội, rút kinh nghiệm sau này. Chúng ta dừng lại vừa mất trắng tiền đầu tư, vừa không có công trình để sử dụng”, ông Phước phát biểu.
“Không làm được thì để người khác làm”
Ông Phước cũng “chê” lãnh đạo Hà Nội xử lý không nghiêm, không dứt khoát vụ “ba ông” đường sắt - điện - giao thông “đá nhau” trong vụ làm cột điện 500 kv mọc giữa đường.
“Các đồng chí đi qua ngã tư Đê La Thành - Hào Nam thấy cột điện to đùng 500 kv, lấn cả vào đường giao thông, chắn luôn đường sắt trên cao. Tôi tự hỏi không biết các ông này làm gì, quy định như thế nào, ông Đinh Tiến Dũng (Bộ trưởng Tài chính) phải đi gõ cửa Hà Nội xem lãng phí bao nhiêu, quản lý quy hoạch kiểu gì. Việc công khai như thế mà chẳng ai xử lý được, tôi mà làm ở Hà Nội là phải làm tới nơi tới chốn, gọi ba ông này lên đứng trước Thành ủy để xử lý”, ông Phước bức xúc nói và khẳng định quan điểm, nếu cơ quan nào, lãnh đạo nào phát hiện lãng phí nhưng không xử lý, không làm được thì để người khác làm, không để tình trạng này cứ diễn ra mãi như vậy.
Cho ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn “phê” báo cáo của Chính phủ hay thích dùng từ đặc biệt như đặc biệt hạn chế lãng phí, đặc biệt đã tiết kiệm được hơn trước.
Ông Sơn dẫn ví dụ: “Có đặc biệt hay không khi cầu Nhật Tân bị nhà thầu Nhật đòi phạt 200 tỉ đồng, chúng ta năn nỉ xuống còn 150 tỉ đồng do chậm giải phóng mặt bằng”.
Dẫn thêm trường hợp đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, ông Sơn tiếp tục khẳng định mấy tỉnh không giải phóng được mặt bằng. Duy chỉ có Thái Nguyên được 32 km cố gắng khởi công để có cớ “thúc” đẩy nhanh tiến độ.
“Nhưng đâu có nhanh được, cứ để càng dài ra càng lãng phí trong khi các đồng chí lại nói đặc biệt”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Thanh niên