Trụ sở UBND xã đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh” là không đúng quy định

Trụ sở UBND xã đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh” là không đúng quy định

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 2, 14/10/2019 09:41

Liên quan đến việc hàng loạt trụ sở UBND xã ở Nghệ An đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh”, theo phân tích của luật sư, việc đặt biển như vậy là không đúng với quy định.

Thời gian qua, tại trụ sở UBND nhiều xã ở Nghệ An xuất hiện tấm biển ghi nội dung: Khu vực cấm xâm phạm, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước, quay phim, ghi âm, chụp ảnh...

Xung quanh vấn đề này, một số người dân cho hay, họ có cảm giác tấm biển đã “hạn chế quyền công dân” của mình khi đến làm việc với cán bộ xã. Đây cũng là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP.Hà Nội) về góc độ pháp lý xung quanh câu chuyện này.

Góc nhìn luật gia - Trụ sở UBND xã đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh” là không đúng quy định

Biển cấm được đặt tại các trụ sở UBND xã thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An.

Thưa luật sư, vừa qua, tại trụ sở UBND nhiều xã ở Nghệ An xuất hiện biển “cấm quay phim, chụp ảnh”. Ông có thể cho biết, theo quy định của pháp luật, những nơi nào thì bị cấm quay phim, chụp hình?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Công dân không được quay phim, chụp ảnh tại những địa điểm theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 6/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khu vực, địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh.

Theo đó, khu vực cấm quay phim, chụp ảnh là các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển, các khu vực công nghiệp quốc phòng, các khu quân sự, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân...”.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì trụ sở UBND xã, phường có phải là nơi cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Không có quy định cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở trụ sở UBND xã, phường. Những gì luật không cấm thì công dân được phép làm.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, chỉ trừ trong trường hợp, tại khu vực trụ sở UBND xã có sự kiện liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc liên quan đến bí mật nhà nước khác thì có thể đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm” trong một thời gian nhất định để tổ chức sự kiện. Khi nào xong sự kiện đó thì cất biển đi.

Còn việc đặt biển “cấm” thường xuyên như vậy ở trụ sở UBND xã là không đúng với quy định.

Góc nhìn luật gia - Trụ sở UBND xã đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh” là không đúng quy định (Hình 2).

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc thường xuyên đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm” tại trụ sở UBND xã là không đúng với quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt biển “cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm” tại trụ sở UBND xã, phường là “hạn chế quyền công dân”. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, giám sát hoạt động của các cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Trong khi đó, trụ sở UBND xã, phường là nơi tiếp công dân, công dân có quyền ra vào để liên hệ, giải quyết công việc.

Chính vì vậy, việc cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở UBND xã, phường vừa là không đúng với quy định của pháp luật, vừa là hạn chế quyền giám sát của công dân.

Công dân phải được công khai giám sát hoạt động của các bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, đảm bảo theo quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

Điều 2 Quyết định 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định khu vực cấm, địa điểm gồm:

  1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.
  2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
  3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.
  4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
  5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
  6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.