Chiều 8/6, phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội tiếp tục diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có thêm thời gian để trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội từ phiên sáng.
Bấm nút tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) đăng ký tranh luận về vấn đề doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với những "vấn đề" của doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp: phát hành trái phiếu gấp hàng vài chục lần vốn chủ sở hữu, đâu là giải pháp quản lý cho 51 tỷ USD trái phiếu không phát sinh tiêu cực.
Ông Nghĩa đặt vấn đề: Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng nói là theo mục tiêu chiến lược đến năm 2025 là 20%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, quy mô trái phiếu tương đương 18,2% khoảng 51 tỷ USD. So với năm 2018, quy mô năm 2021 tăng gấp 3 lần, phải chăng thời gian qua chúng ta buông lỏng cảnh báo của Bộ Tài chính?
Bộ Tài chính vừa qua cũng đi thanh tra và thấy rằng, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm vừa qua, có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Trong 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm vừa qua thì phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.
Có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao lên tới 13%, có doanh nghiệp vốn sở hữu là 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng, tương đương với tỉ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần. Có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 27 tỷ đồng, tỉ lệ là 28 lần.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 2 công việc phải làm: Thứ nhất và quan trọng nhất là có giải pháp quản lý sao cho 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất của nhiều năm trước đây. Điều này liên quan đến ngành ngân hàng. Thứ hai là giải pháp, kiểm soát làm sao cho 51 tỷ USD tồn đọng không thành vấn đề mới là quan trọng.
Tranh luận nội dung của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với trái phiếu doanh nghiệp thì theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi tương đương 15%.
“Thế thì vấn đề từ trước đến nay, doanh nghiệp có trả được nợ trái phiếu không? Trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường”, Bộ trưởng Tài chính nói.
Ông cũng nói thêm, quản lý phải thực hiện đúng luật pháp, căn cứ vào Luật Chứng khoán, Nghị định 153 thì phần trái phiếu phát hành riêng lẻ cơ quan quản lý Nhà nước gần như không cấp phép, không can thiệp.
Khi thảo luận luật, khi đưa ra là chúng ta cho quyền tự do kinh doanh của DN, do DN phát hành, doanh nghiệp tự trả, chúng ta không can thiệp vào. Sau này thấy phát hành nhiều quá thì cơ quan quản lý mới đặt vấn đề quản lý.
Còn Nghị định 153 không thể quy định điều kiện phát hành nên cứ thực hiện theo quy định của pháp luật như vậy. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu và sau đó sẽ trả lại trái phiếu theo trình tự. "Vừa rồi chúng ta xử lý trường hợp phát hành không đúng quy định", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc lựa chọn lĩnh vực tài chính để chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.
Có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài chính, 9 đại biểu đăng ký tranh luận. Hiện còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do thời gian giới hạn nên đại biểu được đề nghị gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Câu hỏi bám sát nội dung chất vấn theo tinh thần đổi mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần đầu trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng Tài chính có chuẩn bị tốt nội dung, tập trung. Cơ bản là rất bình tĩnh tự tin dù nhiều đại biểu giơ biển tranh luận dồn dập. Bộ trưởng tuy lần đầu trả lời nhưng đã có kinh nghiệm nghị trường nên rất bình tĩnh.