Trục lợi từ chính sách hỗ trợ Covid-19: Đó là tội ác, cần xử nghiêm!

Trục lợi từ chính sách hỗ trợ Covid-19: Đó là tội ác, cần xử nghiêm!

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 3, 14/07/2020 16:19

Theo luật sư, ĐBQH, hành vi của những cán bộ chờ thời cơ để trục lợi, bớt xén tiêu chuẩn của người nghèo trong việc chi trả gói 62.000 tỷ là không thể chấp nhận.

Ăn chặn của người nghèo là tội ác

Thời gian vừa qua, vấn đề chi trả tiền hỗ trợ đại dịch Covid-19 trong gói 62.000 tỷ của Chính phủ đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bởi lẽ, tại nhiều tỉnh thành, việc chi trả tiền cho người nghèo được hưởng chế độ lại nghiễm nhiên bị bỏ qua, trong khi đó, tiền lại đi “nhầm” vào những “hộ nghèo, hộ cận nghèo” đang ở nhà lầu, đi xe hơi.

Đó là một số thôn, xã thuộc tỉnh Thanh Hoá, người dân phát hiện có gia đình là người thân cán bộ, lãnh đạo thôn, xã “lọt” vào danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tại xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình), chính quyền xã lại thi nhau “bỏ quên” nhiều hộ nghèo trong quá trình triển khai, chi trả gói hỗ trợ. Hay tại tỉnh Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do Covid-19 cho 6 hộ nghèo.

Chính sách - Trục lợi từ chính sách hỗ trợ Covid-19: Đó là tội ác, cần xử nghiêm!

ĐBQH Lê Như Tiến nhấn mạnh, cần phải lên án và xử lý nghiêm những hành vi trục lợi từ gói hỗ trợ Covid-19.

Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, đây là thời điểm mà các cấp lãnh đạo cần phát huy vai trò thanh, kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với cấp dưới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Theo ông Tiến, cần phải lên án và xử lý nghiêm những hành vi trục lợi như vậy.

“Gói hỗ trợ đến đúng đối tượng là những người nghèo đang đứng bên bờ vực của sinh tử. Có vài trăm nghìn, hoặc gần 1 triệu đồng lại bị ăn chặn chẳng khác gì việc tại một số địa phương có tình trạng ăn chặn gạo cứu trợ của những người dân khi mùa màng bị mất trắng do thiên tai, lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn, lốc xoáy. Tôi cho đây là một tội ác, chúng ta cần xử lý nghiêm”, ông Tiến nói.

Trách nhiệm liên đới từ lãnh đạo xã

Liên quan đến sự việc nói trên, trao đổi với PV, ông Tô Đức - Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (bộ LĐ-TB&XH) bày tỏ sự bức xúc: “Tôi cho rằng đây là những trường hợp con sâu làm rầu nồi canh. Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ và cần phải xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có liên quan vi phạm”.

Phải nói rằng, đã có quy định rõ ràng quy định về hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuy nhiên trong những năm qua vẫn xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Về việc này, ông Đức cho rằng, trong quá trình thực hiện chính sách có những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm pháp luật. Những người cán bộ này cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chính sách - Trục lợi từ chính sách hỗ trợ Covid-19: Đó là tội ác, cần xử nghiêm! (Hình 2).

Ngôi nhà khang trang của cán bộ có tên trong danh sách hỗ trợ Covid-19 ở Hoà Bình.

Theo ông Đức, Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền phê duyệt quyết định công nhận hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn cấp xã và cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện việc rà soát.

“Trong việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn cấp xã thì tôi cho rằng trách nhiệm chính trước hết là thuộc UBND cấp xã. Liên quan đến quy trình này, điều tra viên, người là cán bộ chuyên trách giảm nghèo, trưởng thôn và ban giảm nghèo cấp xã có tham gia thực hiện nhiệm vụ lập danh sách cũng có trách nhiệm liên đới”, ông Đức nhấn mạnh.

Cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo dõi vụ việc, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc ngăn chặn tham nhũng vặt thì yếu tố công tác cán bộ phải được lưu tâm tới đầu tiên.

“Không ai chấp nhận được hành vi trục lợi từ chính sách của người nghèo như vậy. Chúng ta phải lên án điều đó, không thể bao che”, luật sư Ứng bày tỏ sự bức xúc.

Theo vị luật sư này, nếu là cán bộ đảng viên thì cần phải có hình thức cách chức và khai trừ Đảng, và tiến tới truy cứu trách nhiệm hình sự. Thêm nữa, phụ thuộc vào số lượng tiền mà cán bộ thôn, xã làm thất thoát tài sản nhà nước để xem cán bộ đó có phải chịu trách nhiệm hay chỉ bị xử lý về mặt hành chính.

Chính sách - Trục lợi từ chính sách hỗ trợ Covid-19: Đó là tội ác, cần xử nghiêm! (Hình 3).

Luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

“Nặng có thể xử lý hình sự ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc Buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác việc đánh mất niềm tin của nhân dân cũng chính là Lợi dụng chức vụ quyền hạn để gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Ứng cho hay.

Theo đó, với những trường hợp như vậy, những người làm lãnh đạo cần nêu cao trách nhiệm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hơn nữa, khi đưa ra gói hỗ trợ hay chính sách xuống thì càng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì những cá nhân, những tổ chức chính trị, xã hội có tinh thần nghĩa hiệp cao cả với cộng đồng đến mấy cũng sẽ nản lòng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.