Sửa nhà cho Phó Chủ tịch tỉnh hết hơn 700 triệu đồng
Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, năm 2020, biết tỉnh An Giang chuẩn bị cấp mỏ cát tại xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân ở huyện Chợ Mới phục vụ dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Tp.Long Xuyên, Lê Quang Bình - Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Trung Hậu 68 đã nhờ các quan chức của tỉnh tạo điều kiện thăm dò, khai thác.
Xem thêm: Vụ án cựu Chủ tịch tỉnh An Giang: Hơn 170 tỷ được "rửa" thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Theo chỉ đạo, ông Trần Anh Thư - cựu Phó Chủ tịch tỉnh An Giang chấp thuận đề xuất của cấp dưới ký quyết định bổ sung khu vực có diện tích 99 ha tại khu vực xã Mỹ Hiệp, xã Bình Phước Xuân vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau đó, giao cho Công ty Trung Hậu 68 khai thác.
Trước đó, vào tháng 4/2020, chính ông Thư là người ký quyết định đưa mỏ cát này vào diện đấu giá quyền khai thác. Do đó, việc này vi phạm quy định tại Luật đấu giá tài sản cũng như quyết định của UBND tỉnh An Giang trong đó quy định mỏ cát này phải đấu giá quyền khai thác.
Chưa kể, theo giấy phép khai thác cấp phép lần đầu cho Công ty Trung Hậu 68 với khối lượng khai thác 300.000m3, cung cấp cát cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cầu Thơ, trong khi chủ trương ban đầu chỉ phục vụ cho công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Tp.Long Xuyên. Việc cấp phép tiếp tục không đúng trình tự, thủ tục.
Khi khai thác cát cho dự án, Công ty Trung Hậu 68 không ký được hết hợp đồng cung cấp cát với tất cả các nhà thầu thi công. Do đó, Công ty không đủ điều kiện được nâng công suất khai thác.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Bình, ông Thư vẫn ký quyết định điều chỉnh tăng công suất từ 300.000m3 lên 740.000m3.
Xem thêm: 4 trợ thủ đắc lực giúp "trùm cát tặc" ở An Giang chiếm đoạt trăm tỷ đồng
Dù không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp phép, ông Thư tiếp tục ký quyết định điều chỉnh công suất từ 740.000m3 lên 1.100.000 m3 cho doanh nghiệp trên.
Thậm chí, trong lần nâng công suất này, độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình vẫn chỉ đạo Trần Anh Thư và các bị can khác tạo điều kiện, sớm thông qua báo cáo Đánh giá tác động môi trường cho Công ty Trung Hậu 68.
Sau khi được cấp phép, Lê Quang Bình chỉ đạo cấp dưới khai thác cát bán cho khách lẻ, ngoài giấy phép và bán vị trí khai thác cho một số đơn vị, cá nhân ngoài Công ty Trung Hậu 68. Hành vi này của Lê Quang Bình gây thiệt hại cho Nhà nước gần 3.000 tỷ đồng.
Xuyên suốt quá trình này, bị can Lê Quang Bình chi tiền cho nhiều cá nhân. Đối với ông Trần Anh Thư, có 2 lần ông Bình đến phòng làm việc biếu quà Tết, mỗi lần 100 triệu đồng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và năm 2023.
Đặc biệt, vào năm 2021, khi biết ông Trần Anh Thư chuẩn bị sửa nhà tại quận 7, Tp.HCM, ông Bình đã nhờ anh trai là Lê Quang Vinh đưa 761 triệu đồng cho vợ ông Thư.
Ông Vinh khai bản thân được em trai giao cho chủ trì sửa chữa nhà nên ông là người đứng ra thuê thợ, mua vật liệu. Tiền sửa nhà do ông Bình chỉ đạo cấp dưới chuyển vào tài khoản của ông Vinh để ông Vinh thanh toán.
Ngoài ra, Lê Quang Bình có 6 lần đến trụ sở UBND tỉnh An Giang gặp cảm ơn và đưa cho ông Nguyễn Thanh Bình tổng số tiền 300.000 USD. Sau này, ông Bình trả lại 250.000 USD.
20 lần "cảm ơn" cựu Giám đốc Sở TN&MT
Để tiến hành trót lọt các hoạt động khai thác cát lậu, ngoài việc "chăm sóc" chu đáo cựu Chủ tịch tỉnh và Phó Chủ tịch tỉnh thì Lê Quang Bình còn hối lộ các cựu quan chức khác. Nổi bật trong đó có Nguyễn Việt Trí - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Việt Trí khai từ tháng 11/2020- 7/2023, đã nhận số tiền 2,3 tỷ đồng và 30.000 USD từ ông Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Hậu 68 Lê Quang Bình, Võ Truyền Thống, Lê Trọng Hải (đều là Phó Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68), Nguyễn Tấn Lịnh (Giám đốc điều hành Công ty Trung Hậu).
Việc nhận tiền là để tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và tổ chức khai thác cát. Đồng thời, chỉ đạo cấp dưới sửa độ sâu phù hợp trên giấy tờ để Công ty Trung Hậu 68 được thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Ngoài ra, còn giúp công ty điều chỉnh nâng công suất khai thác trong khi biết độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát vượt mức cho phép. Từ hành vi này đã giúp Công ty Trung Hậu 68 khai thác trái phép hơn 3,7 triệu m3 cát, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 293 tỷ đồng.
Để "cảm ơn" ông Trí, Lê Quang Bình có 9 lần đi một mình đến đưa tiền cho bị can Nguyễn Việt Trí. Những lần đưa tiền này phần lớn ở phòng làm việc, một số lần gặp ở quán cà phê. Có 6 lần ông Bình thường đưa 200 triệu đồng và 3 lần đưa 10.000 USD.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới nhiều lần đưa tiền cho ông Nguyễn Việt Trí, tổng số tiền 1,1 tỷ đồng, địa điểm đưa tiền thường ở phòng làm việc, quán cà phê hoặc nhà riêng của ông Trí. Cơ quan điều tra xác định có tổng 20 lần, ông Trí nhận tiền từ doanh nghiệp trên.
Theo lời khai tại của ông Trí, tiền thường được để trong phong bì màu trắng xanh do Công ty Trung Hậu 68 in ấn riêng. Riêng Lê Quang Bình mỗi lần đưa tiền đều để phong bì tiền trong túi xách rồi đặt cạnh bàn làm việc của Trí.
Cơ quan điều tra xác định, ông Trí biết rõ việc nhận tiền để tạo điều kiện cấp phép cho Công ty Trung Hậu 68 là trái quy định pháp luật. Nhưng do có sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch và cựu Phó chủ tịch tỉnh An Giang và được Công ty Trung Hậu 68 chi tiền nên ông Trí vẫn nhận.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của bị can Nguyễn Việt Trí đã phạm vào tội Nhận hối lộ. Theo Cơ quan điều tra, ông Trí đã thành khẩn khai báo và tự nguyện nộp lại hơn 3,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.