Kế hoạch táo tợn của Hitler
Năm 1943, Thế chiến thứ hai có những bước ngoặt lớn khi phe trục phát xít Đức - Ý - Nhật bắt đầu nếm trải những đòn tấn công nặng nề của khối Đồng minh trên khắp các mặt trận. Đổ bộ thành công lên đảo Sicilia (Italia), liên quân Anh Pháp - Mỹ kết hợp với quân kháng chiến địa phương tấn công thẳng về thành Rome. Ngày 3/9/1943, Ý tuyên bố đầu hàng, ký với Đồng minh bản Hiệp định đình chiến.
Trùm phát xít Ý Mussolini bị chính quyền mới bắt giam. Không chịu ngồi nhìn phe trục tan vỡ, Hitler đã tiến hành một phi vụ vô tiền khoáng hậu: Giải cứu Mussolini. Đội biệt kích siêu hạng của Đức đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này ngay trước mũi quân Đồng minh.
Chiến tích vẻ vang này đã kích thích Hitler đi đến một quyết định táo tợn: Bắt cóc Thủ tướng nước Anh Churchill. Cả khối Đồng minh khi đó đang được dẫn dắt bởi ba nhà lãnh đạo thiên tài: Chủ tịch Liên Xô J.Stalin, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Thủ tướng Anh Wilson Churchill. Trong ba người này, cơ hội tiếp cận Churchill của quân Đức là lớn hơn cả.
Nếu có thể bắt sống được ông, Hitler sẽ có trong tay một con tin vô cùng giá trị để mặc cả với Đồng minh. Còn nếu buộc phải giết chết nhà lãnh đạo này, thì dù hiệu quả không bằng bắt sống nhưng cũng là một thắng lợi lớn của phe phát xít. Khối Đồng minh sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu mất đi một trong ba vị chỉ huy tối cao của mình.
Kế hoạch tối mật này được giao cho Đô đốc hải quân Canaris thực hiện. Đây chính là người đã chỉ đạo tiến hành thành công phi vụ giải cứu Mussolini trước đó, nên Hitler đặc biệt tin tưởng vào thắng lợi lần này. Nhưng Canaris lại không nghĩ như vậy. Vụ Mussolini được tiến hành khi quân kháng chiến Italia chưa kịp làm chủ đất nước, hàng ngũ phát xít Ý còn khá mạnh, thời thế lúc đó rất rối ren, rất thuận tiện cho một cuộc đột nhập. Còn luồn sâu vào lãnh thổ Anh, bắt cóc Thủ tướng nước này đem về Đức?
Quả là một nhiệm vụ bất khả thi. Mà mệnh lệnh của Quốc trưởng thì cũng không thể thoái thác. Một đội biệt kích Đức tinh nhuệ đã được Canaris tuyển chọn từ lực lượng lính dù thiện chiến để thực hiện nhiệm vụ mới này, nhưng bản kế hoạch hành động thì vẫn là một trang giấy trắng.
Giữa lúc đô đốc Canaris cùng thuộc hạ thân tín của mình là trung tá hải quân Otto Rader đang lâm vào thế bí thì bất ngờ nhận được điện báo của một điệp viên nằm vùng tại Anh. Đó là Joranna Gra, nữ điệp viên người Anh nhưng lại đang làm việc cho tình báo Đức.
Cô ta báo một tin khiến thầy trò Canaris như trút được gánh nặng: Ngày 6/11/1943, Thủ tướng Churchill sẽ đến thị sát căn cứ không quân Hoàng gia Anh gần ngôi làng, nơi điệp viên này đang ở. Tối hôm đó, ông sẽ nghỉ lại tại trang trại của Herry Waytowpe, một vị Tư lệnh Hải quân Anh đã về hưu. Trang trại này chỉ cách làng Sdelecon khoảng 8km.
Bộ ba này nếu thiếu mất một người, không biết Thế chiến thứ hai sẽ kết thúc ra sao?
Sau khi nghiên cứu mọi tình tiết liên quan, Canaris và Otto Rader quyết định cho một toán lính Đức đóng giả thành một đơn vị lính dù Ba Lan trực thuộc đơn vị đặc nhiệm không quân Hoàng gia Anh, đổ bộ xuống làng Sdelecon để thực hiện sứ mệnh bắt cóc Thủ tướng Anh Churchill.
Đội biệt kích này sẽ nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của đích thân trung tá Hans Schtaninne. Đây là một sĩ quan Đức dày dạn kinh nghiệm chiến trường, đã từng gây nhiều thiệt hại cho quân Đồng minh. Quan trọng hơn, trước khi Thế chiến nổ ra, Hans Schtaninne đã từng có một thời gian theo học tại Anh nên rất thông thạo tiếng Anh cũng như phong tục, tập quán nước này.
Kế hoạch của thầy trò Canaris - Otto Rader nhanh chóng được Hitler thông qua sau khi đã nhận được lời khen ngợi hết lời của trùm mật vụ Himmler. Hitler chỉ yêu cầu một việc: Do Công ước Geneva về chiến tranh nghiêm cấm việc giả dạng làm quân đối phương, nên đội biệt kích Đức sẽ phải mặc quân phục Đức bên trong quân phục Ba Lan.
Sau khi xâm nhập thành công, toán lính này phải cởi bỏ quân phục Ba Lan, hành động khi đang mặc quân phục Đức. Canaris và Otto Rader lập tức chấp hành mà không biết rằng, thảm họa bắt nguồn chính vì chi tiết này.
Toán lính Đức chịu kết cục bi thảm
Đêm ngày 5/11/1943, nhóm biệt kích Đức do Schtaninne cầm đầu nhảy dù thành công xuống cánh đồng làng Sdelecon. Dưới sự trợ giúp tận lực của điệp viên Joranna Gra, phi đội bắt cóc này nhanh chóng tìm được một địa điểm phù hợp để cắm trại, và thay sang quân phục Anh do Joranna Gra chuẩn bị sẵn từ trước.
Sáng hôm sau, dưới vỏ bọc là lính dù Anh, toán lính Đức công khai luyện tập, bắn súng gần một nhà máy xay xát của làng Sdelecon. Như thường lệ, dân làng này đổ ra xem, họ chen nhau đứng chật cứng cả cây cầu nhỏ bằng gỗ bắc qua con sông gần đó.
Một tình huống bất ngờ xảy ra: Một bé trai bị ngã xuống sông. Dòng nước nhanh chóng cuốn em bé này xuôi xuống phía nhà máy xay, nơi có những guồng nước lớn để làm quay trục máy xay. Nếu không bị chết đuối, em bé này cũng sẽ bị những gầu nước khổng lồ này cuốn nát.
Trên bờ, toán lính biệt kích Đức mặc quân phục Anh nhận ra mối nguy hiểm chết người này. Cả nhóm vội dừng tập bắn, lao ra bờ sông. Hai tên để nguyên cả quân phục lao xuống sông, bơi về phía em nhỏ. Trung sĩ Sdim tóm được cậu bé người Anh đang chới với trong dòng nước siết, liền lúc đó, thượng sĩ Brandt cũng bơi tới nơi, vươn tay đón lấy nạn nhân. Với sự giúp sức của một số dân làng khác, cậu bé được đưa vào bờ an toàn. Lúc này, mọi người mới nhận ra Sdim đã bị nước cuốn vào guồng nước tự lúc nào.
Tay lính Đức được vớt lên bờ, máu ướt đẫm người do bị các cánh guồng nghiến phải. Theo một phản xạ tự nhiên, Brandt giật phăng áo ngoài của đồng đội ra, tìm cách cấp cứu. Một tiếng thét vang lên từ phía những người dân làng: Ai đó trong số họ đã nhận ra bộ quân phục Đức trên người vị anh hùng vừa xả thân cứu người này.
Trong khi tất cả còn đang sững sờ trước tình huống quá bất ngờ này, Hans Schtaninne lập tức cho thấy bản lĩnh của một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm. Y ra lệnh cho toán lính Đức dùng vũ lực khống chế tất cả những người có mặt vào một nhà thờ gần đó để sự việc không bị bại lộ ra ngoài. Đội biệt kích Đức im lặng chờ đợi Thủ tướng Churchill tới trong sự căng thẳng tột độ. Khi một tên đề nghị chỉ huy giết hết những người dân làng này để có thể dốc toàn lực thực thi nhiệm vụ, Hans Schtaninne đã kiên quyết bác bỏ. Và toan tính của Hitler đã vĩnh viễn không bao giờ có thể thực hiện được vì quyết định đó của chỉ huy đám biệt kích.
Trong nhà thờ có một hệ thống điện đàm bí mật, và do toán lính Đức không thể kiểm soát được hoạt động của tất cả mọi người, vị linh mục đã bí mật báo tin cho một đơn vị lính Mỹ đang đóng quân gần đó qua hệ thống thông tin này.
Nhận được nguồn tin khẩn cấp, thượng tá Satoff - chỉ huy đơn vị lính Mỹ - lập tức cho người phóng xe đi ngăn đoàn của Thủ tướng Anh đang trên đường đến Sdelecon. Đích thân ông dẫn theo hơn 40 lính đặc nhiệm Mỹ tiến đến bao vây chặt nhà thờ trên. Không lâu sau, thêm một đội lính Anh đến chi viện, còn Thủ tướng Churchill đã được đưa đi tạm lánh ở một nơi an toàn khác.
Toán lính Đức đã hoàn toàn nằm trong tay liên quân Anh-Mỹ, nhưng vì còn nhiều dân làng đang bị chúng giam giữ nên Satoff không dám tùy tiện tấn công. Ông đề nghị đàm phán: Nếu quân Đức thả hết con tin và ra đầu hàng, tính mạng sẽ được đảm bảo. Hans Schtaninne đồng ý thả hết thường dân Anh trong tay, nhưng thề tử chiến chứ nhất định không đầu hàng. Khi người dân làng Sdelecon cuối cùng rời khỏi nhà thờ một cách an toàn, quân Mỹ và Anh đồng loạt tấn công. Với sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, toàn bộ đám biệt kích Đức đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Dù kết thúc nhiệm vụ bằng cái chết, nhưng những hành động của toán lính Đức cũng khiến đối phương phải cảm kích. Xả thân cứu người, thả hết con tin, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, dù ở bên nào của chiến tuyến, đó cũng là những hành động cao đẹp. Thủ tướng Churchill sau đó đã ra lệnh phải chôn cất tử tế những người lính Đức này.
Cho đến nay, tại ven ngôi làng Sdelecon ở vùng Norfolk phía Bắc nước Anh, vẫn còn một nghĩa trang nhỏ gồm 14 ngôi mộ. Ở đó, có một tấm bia đá với dòng chữ khắc bằng tiếng Đức như sau: "Nơi đây, trung tá Đức Hans Schtaninne và 13 lính dù Đức yên nghỉ. Thời gian tử vong: Ngày 6/11/1943. Đây chính là nghĩa cử cao đẹp của người Anh, đáp lại những gì toán lính Đức đã làm trên đất Anh. |
Thanh Tùng (Tổng hợp)