Nếu Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump biến nghi ngờ về việc đưa Mỹ ra khỏi NATO thành sự thật, nó cũng đồng nghĩa với việc ông có thể rời bỏ Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) với Philippines, bình luận viên Charmaine Deogracias từ Trung tâm Đông Tây (Washington) nhận định.
Điều này xuất phát từ việc Trump đã nhiều lần nói các liên minh an ninh quốc tế đang trở nên "lỗi thời" và "tiêu tốn của Mỹ cả một gia tài".
Tổng thống Rodrigo Duterte, người cũng tỏ ra hoài nghi về tầm quan trọng của hiệp ước phòng thủ lâu đời với Mỹ, cũng nói rằng, ông sẵn sàng "thay đổi hoặc từ bỏ" mối quan hệ này.
Với những tuyên bố như vậy, dường như cả hai chính khách này đều không mặn mà trong việc tiếp tục quan hệ gắn bó về quân sự đã kéo dài 65 năm qua - thứ đã trở thành một phần trong việc giúp Manila đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong thời gian gần đây.
Duterte là người nổ phát súng đầu tiên khi ông nói rằng các cuộc tập trận chung chỉ mang lại lợi ích cho riêng Mỹ, do vậy ông muốn chấm dứt các cuộc tập trận trong vòng hai năm tới.
Còn với Trump, vị tân tổng thống này lại nhìn vào mặt tiêu cực khi nói rằng, những liên minh nước ngoài hay cụ thể hơn là các đối tác an ninh ở châu Á đang "lợi dụng Mỹ và chịu không chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng những lúc cần thiết".
Trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ đầu tiên vào ngày 27/9, Trump nói: "Tôi muốn giúp đỡ tất cả các đồng minh của chúng tôi, nhưng chúng tôi đang mất hàng tỷ và hàng tỷ đô la. Chúng tôi không thể là cảnh sát của thế giới. Chúng tôi không thể bảo vệ mọi quốc gia trên thế giới".
Philippines và Nhật Bản là hai nước đồng minh hiệp ước của Mỹ ở châu Á. Nội dung ràng buộc trong đó có điều khoản Mỹ sẽ bảo vệ họ khỏi sự xâm lược từ bên ngoài.
Các thỏa thuận quốc phòng của Philippines dựa trên MDT từ năm 1951 và tiến tới Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) được ký kết trong năm 2014.
Một điều chung của hai nhà lãnh đạo này đó là bên cạnh một chính sách độc lập, cả hai muốn phục hưng lại nền kinh tế. Và không hẹn mà gặp, họ có chung một đối tác được nhắm đến là Trung Quốc.
Trump đã tuyên bố sẽ "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Còn Duterte đã hứa sẽ làm Mindanao trở nên tuyệt vời hơn. Với hai tham vọng như vậy, cả hai đang tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh.
"Chỉ có Trung Quốc có thể giúp Philippines", Duterte nói trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, bốn ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước. Với câu nói này, ông mang về 24 tỷ USD từ các khoản vay ưu đãi và các dự án đầu tư từ Trung Quốc. Không ai có thể phủ nhận người đứng đầu Philippines đã làm rất tốt trong việc phục hồi mối quan hệ thân thiện với người hàng xóm khổng lồ ở châu Á.
Còn với Trump, trong bài phát biểu của mình vào ngày 27/4, Trump cho biết "sửa chữa" mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc là một bước quan trọng hướng tới việc tạo ra một thời kỳ thịnh vượng hơn đối với quốc gia của ông.
"Tôi yêu Trung Quốc. Các ngân hàng lớn nhất trên thế giới là từ Trung Quốc. Bạn biết nơi họ đặt trụ sở chính ở Mỹ nằm ở đâu không? Ngay trong chính tòa nhà này, Trump Tower. Tôi yêu Trung Quốc", Trump nói trong bài phát biểu khi ông tuyên bố ứng cử.
Donald Trump và Duterte đang dành cho nhau một sự thận trọng nhất định
Nhưng điều gây ra sự lo ngại chính là câu nói lấp lửng của Duterte khi cho biết vì lợi ích kinh tế Philippines, ông sẽ không ngần ngại đặt sang một bên những tranh cãi gay gắt trên các lãnh thổ ở Biển Đông.
Cần phải nhớ rằng quan điểm của Trump sau khi Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc là sự đồng tình. Nhà tỷ phú bày tỏ sự lo ngại về hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và nói rằng động thái như vậy là "không thể dung thứ".
Giống như Duterte, Trump xem trọng Trung Quốc về mặt thương mại hơn là các vấn đề hợp tác an ninh.
Nhưng không đơn giản như Duterte, Trump dù nói sẽ hợp tác nhưng vẫn dự định tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ để bù đắp thâm hụt thương mại giữa hai nước khi giá trị giao thương hai nước đã đạt con số kỷ lục 365 tỷ USD hồi năm ngoái. Ông muốn Mỹ vẫn phải có một áp lực nhất định về mặt kinh tế với Trung Quốc để kiềm chề trên nhiều vấn đề lợi ích, bao gồm cả vấn đề Triều Tiên.
"Một nước Mỹ mạnh mẽ và thông minh là một nước Mỹ sẽ tìm một người bạn tốt hơn Trung Quốc. Nếu nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông, bạn phải hiểu rằng họ không được phép làm việc đó", Trump nói trong bài phát biểu chính sách đối ngoại của mình hồi tháng Tư.
Do vậy, nếu Philippines làm dịu đi lập trường với Trung Quốc ở Biển Đông, nó sẽ đi ngược lại với quan điểm của chính quyền của Trump sau này. Nó cũng đồng nghĩa với việc dự đoán về liên minh hai nước tan rã có thể sớm thành sự thật.
Tuy nhiên, có rất nhiều luận chứng cho thấy Manila-Washington chưa thể từ bỏ nhau dễ dàng. Hay nói đúng hơn, cả hai vẫn dành cho nhau một cơ hội để tìm đến một tiếng nói chung.
Có một điều thú vị rằng, nếu như ông Duterte rất dị ứng với các chỉ trích nhân quyền thì ngược lại Trump lại chẳng bao giờ nói về vấn đề này.
Trước đó, cũng chính những lời phán xét về cuộc càn quét ma túy đẫm máu từ chính quyền Obama đã khiến quan hệ Manila-Washington trở nên căng thẳng thêm.
Chuyên gia Charmaine Deogracias cho rằng sự im lặng của Trump về vấn đề nhân quyền dường như là cách làm khôn ngoan để sớm không làm mất lòng Duterte, Trump cho thấy ông muốn Philippines và Mỹ vẫn còn là "bạn bè và đồng minh của nhau".
Vè phía ngược lại, nhà lãnh đạo Manila dường như cũng đang tỏ ra kiên nhẫn trong việc dò xét vị tân tổng thống mới và thể hiện một sự tôn trọng nhất định với Mỹ.
Trong khoảng thời gian cuộc bầu cử rục rịch diễn ra và khi kết quả đã có ngay sau đó, ông Duterte không hề khai mào một cuộc khẩu chiến nào với Mỹ giống như từng làm liên tục vài ngày trước đó.
"Sự tôn trọng cần phải có, và trong tất cả các vấn đề đó sẽ ảnh hưởng đến hai nước chúng ta, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà chúng tôi đã ký với họ. Tất cả đều phải được tôn trọng", Duterte nói hôm thứ Năm tuần trước tại Kuala Lumpur, nơi ông có chuyến công du kéo dài hai ngày.
Với tính cách hay "phán xét" của hai nhà chính khách này, sự im lặng kỳ lạ nói trên được cho là có chủ đích.
Duterte hiểu rõ một chính quyền mới của Washington sẽ khác hoàn toàn quan điểm của chính quyền cũ. Ông không vội vàng thể hiện mình trước khi nắm rõ tường tận chính sách của vị tổng thống mới.
Giới phân tích vẫn chung nhận định rằng, dù Duterte thường xuyên "nói cứng" trong thời gian qua, nhưng Manila vẫn để mở cánh cửa cho Mỹ trong việc đưa mối quan hệ trở lại đúng quỹ đạo và tiếp tục sự cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông. Cái họ cần là một sự nhiệt tình hơn đến từ ông chủ mới của Nhà Trắng.
Một số chuyên gia lo ngại, việc chuyển đổi sang một chính quyền mới ở Washington và sự liên kết ngày càng mạnh mẽ giữa Bắc Kinh với các quốc gia Đông Nam Á sẽ làm Biển Đông trở nên khó lường hơn trong thời gian tới.
Wu Shicun, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc cho biết, quá trình chuyển đổi sẽ là một khoảng thời gian yên lặng. "Trước khi Tổng thống Mỹ tiếp theo tiếp quản Nhà Trắng, ít nhất Biển Đông sẽ tạm thời được yên bình", Wu nói.
Victor Cha, cựu giám đốc về các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thì nhận định, Trung Quốc đã thực hiện một chiến thuật đa dạng với các bên trong khu vực, kể từ sau phán quyết của tòa án ở Hague và giành được nhiều thuận lợi cho mình.
Nhưng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong sự so kè vị thế với nhau ở Biển Đông trên thực tế vẫn có thể nổ ra khi Trump nhậm chức vào tháng Giêng.
Cố vấn của Trump đã không ít lần khẳng định, Mỹ tiếp tục xoay trục tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tìm những lợi ích khác nhau ở đây.
Trước những ý kiến nói rằng Trump sẽ đi theo chính sách cô lập, ngừng mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông cũng như bỏ rơi các đồng minh, cựu Đô đốc người Anh Anthony Rix đã bác bỏ điều này.
Ông cho rằng quan điểm nói trên là không phù hợp với cam kết của nhà tỷ phú trong việc "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
"Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến ở Biển Đông, trong khi tiếp tục duy trì tính thượng tôn pháp luật ở đây thông qua các cuộc tuần tra hàng hải trên các vùng lãnh hải quốc tế hợp pháp", Rix cho biết. "Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy có một sự quan tâm lớn hơn của Mỹ về Biển Đông bằng việc tăng cường các cuộc tuần tra thường xuyên hơn".
Quốc Vinh