Tìm đến căn nhà của một cựu chiến binh vào buổi chiều tháng 7 mưa nặng hạt, để được nghe ông chia sẻ về những trận đánh hào hùng của dân tộc trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ.
Tôi thấy người đàn ông tóc bạc phơ ngồi trên chiếc xe lăn đang chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh kỉ niệm từ thời chiến tranh. Ánh mắt uy nghiêm, đôi lúc ông nhìn xa xăm như đang nhớ lại những kí ức của một thời hoa lửa.
Đó chính là ông Nguyễn Vạn, nguyên cán bộ Trung đoàn tên lửa 267, Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không - Không quân).
Trận chiến oai hùng
Xuất phát là một sĩ quan điều khiển thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, được đơn vị cử sang Liên Xô học tập đến năm 1968, ông trở về tham gia chiến đấu tại Trung đoàn tên lửa 267.
Đã hơn 50 năm kể từ khi xảy ra trận đánh nhưng ông vẫn nhớ như in, ông Vạn kể lại: “Khi Trung đoàn tên lửa 267 đang trên đường từ Hải Phòng vào Quảng Bình tham gia chiến đấu, bất ngờ nhận được lệnh của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ra lệnh cho Trung đoàn 267 ở lại TP.Vinh. Tại đây Trung đoàn sẽ đón đánh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ vào Bến Thủy theo thông tin tình báo của ta có được.
Trung đoàn 267 gồm 4 tiểu đoàn hỏa lực, sau khi nhận được lệnh của Tổng tham mưu trưởng, Trung đoàn đã nhanh chóng thiết lập trận địa để phục kích đón đánh địch.
Trong trận đánh đó, tôi được giao nhiệm vụ theo dõi, phát hiện quân địch ra lệnh cho sĩ quan điều khiển tấn công, sĩ quan điều khiển phát sóng bắt mục tiêu; sau đó đóng tay quay giao cho trắc thủ. Khi bắn, trắc thủ phải bám sát mục tiêu cho đến khi kết thúc.
Tôi vẫn nhớ, hôm đó khi đang thực hiện nhiệm vụ bất ngờ bị quân địch ném bom gần nhưng rất may không bị thương và nhanh chóng trở về vị trí tiếp tục điều khiển chiến đấu.
Nhờ nắm bắt thông tin chuẩn xác, và tinh thần chiến đấu kiên cường, quân ta đã bắn hạ 8 máy bay địch khiến Mỹ phá sản hoàn toàn ý đồ tấn công tiêu diệt trung đoàn xe tăng của ta. Sau trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện mừng biểu dương Trung đoàn tên lửa 267 đã có trận hiệp đồng tác chiến hiệu quả.
Chiến công này tôi còn nhớ: “Báo nước ngoài lúc đó đã phải thốt lên rằng, không hiểu Hà Nội đã tìm được từ đâu Trung đoàn 267 khiến quân đội Mỹ phải khiếp sợ như thế”.
Cuộc sống của cựu chiến binh trong thời bình
Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1973, ông Vạn trở về công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân, ông tham gia đào tạo quân sự tại trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 1997, ông về nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia sinh hoạt tại Trung đoàn tên lửa 267 với vị trí trong ban liên lạc. Hiện nay, do sức khỏe ảnh hưởng đến việc đi lại nên ông Vạn không tham sinh hoạt tại Trung đoàn nhưng ông vẫn luôn dõi theo mọi hoạt động của đồng đội.
Hiện nay, Trung đoàn tên lửa 267 được gọi là Trung đoàn Phòng không 267 thuộc Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Ông Vạn cho biết, Trung đoàn ngày nay luôn giữ vững phương châm “Giúp dân là tự giúp mình”.
Trong thực hiện công tác dân vận, Trung đoàn còn tổ chức nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ về giúp dân mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương, chỉnh trang và vệ sinh nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Để nhân dân tin tưởng làm theo, Trung đoàn Phòng không 267 đã xây dựng đơn vị trở thành mô hình “điểm” của Quân chủng Phòng không - Không quân về tăng gia sản xuất với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Ông Vạn chia sẻ: “Vào ngày 27/7 hàng năm, tôi đều nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, quân đội tặng quà, thăm hỏi. Với tôi, khoảng thời gian trong quân ngũ, được góp chút sức lực của mình vào chiến thắng chung của cả nước là điều tuyệt vời nhất”.
Nguyễn Lâm