Thủ tướng Iraq Mohamed al-Sudani hôm 18/1 đã lặp lại lời kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của Quân đội Mỹ trên lãnh thổ đất nước ông, vốn là một phần của liên minh quốc tế được triển khai để giúp Baghdad chiến đấu với nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ năm 2014.
Trong bối tình hình ở Trung Đông đang “căng như dây đàn” với nhiều “điểm nóng” mới, ông Al-Sudani – người dẫn dắt chính phủ dựa trên sự hỗ trợ của các đảng có liên kết với Iran – trong những tuần gần đây đã nhiều lần nói rằng ông muốn thấy quân đội nước ngoài rời khỏi Iraq.
“Việc kết thúc sứ mệnh của liên minh quốc tế là điều cần thiết cho an ninh và ổn định của Iraq”, ông Al-Sudani cho biết trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. “Đây cũng là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ song phương mang tính xây dựng giữa Iraq và các nước thuộc liên minh này”.
Kể từ khi làn sóng xung đột mới nhất giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine bùng phát vào ngày 7/10 năm ngoái, Iraq là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng. Điều đó phần lớn là do mối quan hệ của nước này với Iran, nước ủng hộ chính cho Hamas và các nhóm chiến binh khác trong khu vực.
Các lực lượng Mỹ đóng tại Iraq đã bị các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tấn công và đã thực hiện các đòn đáp trả tương xứng. Ít nhất 130 vụ tấn công, trong đó có 53 vụ ở Iraq và 77 vụ ở Syria, được ghi nhận từ ngày 17/10 năm ngoái đến ngày 11/1 năm nay, theo Lầu Năm Góc.
Hầu hết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) hoặc tên lửa nhắm vào quân đội nước ngoài đều do Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, một liên minh lỏng lẻo gồm các nhóm vũ trang liên kết với Iran phản đối sự hỗ trợ của Mỹ cho Israel trong cuộc chiến ở Gaza, tuyên bố nhận trách nhiệm.
Một cuộc tấn công bằng drone của Mỹ hồi đầu tháng 1 đã giết chết một chỉ huy quân sự và một thành viên khác của Harakat al-Nujaba, một nhánh của Hashed al-Shaabi. Trong khi đó, Hashed al-Shaabi là tập hợp các đơn vị bán quân sự trước đây chủ yếu thân Iran, hiện được hợp nhất vào Các lực lượng vũ trang Iraq.
Trong bài phát biểu hôm 18/1, ông Al-Sudani nhấn mạnh rằng cần phải “ngay lập tức bắt đầu các cuộc đối thoại để đạt được sự hiểu biết và thời gian biểu về việc kết thúc sứ mệnh của các cố vấn quốc tế”. Mỹ có khoảng 2.500 binh sĩ ở Iraq và gần 900 binh sĩ ở Syria hỗ trợ liên minh chống IS.
Kể từ cuối năm 2021, liên minh ở Iraq cho biết họ đã tạm dừng mọi nhiệm vụ chiến đấu và đóng quân tại các căn cứ quân sự của Iraq với mục đích thuần túy là cố vấn và huấn luyện. Thủ tướng IAl-Sudani cho biết liên minh này giờ không còn cần thiết nữa.
“Ngày nay, theo phân tích của tất cả các chuyên gia ở Iraq và trong số những người bạn của chúng tôi, ISIS không phải là mối đe dọa đối với nhà nước Iraq”, ông Al-Sudani nói, sử dụng một từ viết tắt khác của IS.
Minh Đức (Theo AFP/Digital Journal, Politico EU)