Trung Đông 'nín thở' chờ đợi Tổng thống Mỹ mới

Trung Đông 'nín thở' chờ đợi Tổng thống Mỹ mới

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 3, 08/11/2016 15:59

Tổng thống mới nước Mỹ sẽ kế thừa di sản "chiến tranh vĩnh viễn" ở Trung Đông của ông Obama, nhưng khu vực này sẽ vẫn luôn được Washington coi trọng một cách nghiêm túc.

Cho dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 8/11, một điều rõ ràng rằng Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, các nhà phân tích nói trên tờ Al Jazeera.

Ông Barack Obama sẽ kết thúc tám năm nhiệm kỳ tổng thống với một di sản gây tranh cãi gay gắt khi để cho khu vực này tiếp tục phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng không hồi kết.

Tiêu điểm - Trung Đông 'nín thở' chờ đợi Tổng thống Mỹ mới

Trung Đông sẽ vẫn là khu vực được chính quyền mới của Mỹ coi trọng.

Trong đó bao gồm các cuộc xung đột hoành hành ở Syria, Iraq, Yemen và Libya; các cuộc tấn công lớn diễn ra ở Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon; một cuộc nổi dậy đang được nung nấu tại khu Bờ Tây, khi người Palestine ở Gaza bắt đầu trả đũa lại chiến dịch ném bom của Israel năm 2014.

"Di sản của ông Obama gần như là một sự thất bại," Stephen Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Harvard Kennedy, nói với Al Jazeera.

"Một giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine là điều quá xa vời. Sự can thiệp ở Libya và Yemen đã tạo ra một tình thế thất bại. Việc nhấn mạnh 'Assad phải ra đi' chỉ khiến cuộc nội chiến Syria tồi tệ hơn", ông nói.

Ông cho rằng thành công đáng kể nhất trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama là đạt được thỏa thuận kiềm chế hạt nhân của Iran, đổi lại bằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

"Tôi tin rằng Clinton sẽ đi theo một chính sách tương tự như Obama, mặc dù bà ấy sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn", Walt nói thêm. "Nguy cơ chính Clinton phải đối mặt là tình hình đang lao dốc, khiến cho sự can thiệp vào Syria bị giới hạn. Còn với Trump, cho đến hiện tại vẫn chưa rõ ông ấy sẽ làm gì".

Khi người dân Mỹ đổ xô đến các địa điểm bỏ phiếu hôm 8/11, thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách giữa Donald Trump và Hillary Clinton đang dần thu hẹp lại trong tuần qua.

Các con số thể hiện bà Clinton là người có cơ hội lớn hơn khi trang web phân tích FiveThirtyEight đưa ra tỷ lệ 70% sẽ giành chiến thắng.

Tổng thống tiếp theo sẽ được thừa hưởng di sản "chiến tranh vĩnh viễn" ở Trung Đông của ông Obama, Samer Abboud, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Arcadia lưu ý.

Mặc dù ông Obama khi nhậm chức đã định hình lại tầm nhìn mới của Mỹ tại Trung Đông nhằm tránh lặp lại sai lầm của chính quyền Bush trước đó khi gửi quân đến cuộc chiến sa lầy ở Iraq và Afghanistan - thế nhưng Washington lại can thiệp một cách không bền vững trên toàn khu vực, bao gồm cả ở Iraq và Syria.

Tiêu điểm - Trung Đông 'nín thở' chờ đợi Tổng thống Mỹ mới (Hình 2).

Một phụ nữ Palestine đang tranh cãi với binh sĩ Israel ở khu vực Bờ Tây.

Mỹ không nói rằng mình can thiệp quân sự nhưng lại dùng mục đích chống khủng bố như một tấm bình phong cho mục đích này.

Trong tám năm qua, Israel đã khởi động 3 cuộc chiến trên Dải Gaza, đồng thời đẩy mạnh hoạt động trên khắp khu Bờ Tây. Những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong việc khởi động tiến trình hòa bình Israel-Palestine đã kết thúc trong thất bại. Để hỗ trợ cho vấn đề này, Obama đã ký gói viện trợ quân sự vô điều kiện trị giá 38 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử.

Ali Abunimah, đồng sáng lập trang Intifada cho rằng cả Clinton và Trump đều cho thấy họ sẽ tiếp tục truyền thống của Mỹ đó là hỗ trợ bền vững cho Israel.

Mặc dù cuộc bầu cử lần này khả năng dẫn đến một sự hiệu chỉnh lại chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, tuy nhiên thay đổi thế nào là điều khó dự đoán.

Nói đến Syria, cuộc xung đột đẫm máu nơi đây đã bước sang năm thứ 6 và cho thấy không có dấu hiệu dừng lại.

Hai ứng cử viên tổng thống đã cho thấy họ có quan điểm hết sức đối lập. Trump cho biết ông sẽ đứng về phía chế độ Syria và các đồng minh của Nga để chống lại IS: "Tôi không thích Tổng thống Bashar al-Assad ở mọi điểm, nhưng ông ấy đang tiêu diệt khủng bố. Nga và Iran cũng vậy".

Trong khi đó bà Clinton kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Syria để trở thành một "đòn bẩy" chống Nga.

Hillary Clinton đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng bà có ý định can thiệp trong một loạt các cuộc xung đột khác nhau, bao gồm cả Syria. Nhưng ngược lại, Trump đã cho giới chức Mỹ thấy ông muốn tập trung vào cuộc chiến chống lại "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan", Abdullah Al-Arian, từ Đại học Georgetown nói trên Al Jazeera.

Ý tưởng về việc triệt phá hang ổ của phiến quân Hồi giáo sẽ giúp Trump không vướng phải những lời chỉ trích về việc sử dụng quân đội can thiệp vào Trung Đông, Al-Arian lưu ý.

Nên Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, hầu hết các nhà phân tích đều hoài nghi về động thái đẩy mạnh ở Trung Đông của ứng viên đảng Cộng hòa.

"Rất khó để có thể mong đợi Trump sẽ mang lại điều gì", Abdullah nói. "Ông ấy đã đề nghị tất cả mọi thứ không liên quan phải tách rời hoàn toàn khỏi Trung Đông. Tôi có sự nghi ngờ về việc chính quyền Trump sẽ tìm thấy mục đích chính trị hay chiến lược khả thi để tăng cường can thiệp quân sự trong khu vực".

Steven Heydemann, học giả từ Viện Trung Đông thuộc Học viện Smith đánh giá, ông Obama luôn tìm cách hạ thấp lợi ích ở Trung Đông mà Mỹ nhận được khi can thiệp tại đây. Điều này sẽ làm giảm nhẹ những chỉ trích mà Mỹ phải gánh chịu tại khu vực này

"Tôi có cảm giác rằng tổng thống kế tiếp sẽ nhìn Trung Đông bằng một con mắt khác, và mọi thứ có lẽ lại diễn biến nhanh chóng để Mỹ tiếp tục can dự vào một số quốc gia mới", Heydemann kết luận.

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.