Trùng hợp của bão Linda và Damrey: Nhân chứng lịch sử nhắc nhớ ký ức kinh hoàng

Trùng hợp của bão Linda và Damrey: Nhân chứng lịch sử nhắc nhớ ký ức kinh hoàng

Nguyễn Thành Huế

Nguyễn Thành Huế

Chủ nhật, 05/11/2017 11:57

Cơn bão số 12- bão Damrey (Con voi) trùng hợp một cách kỳ lạ với bão Linda cách đây tròn 20 năm. Là người trực tiếp tham gia công tác phòng chống lũ lụt, GS.Vũ Trọng Hồng không thể quên những hình ảnh kinh hoàng về sự tàn khốc của thiên nhiên với con người.

Xã hội - Trùng hợp của bão Linda và Damrey: Nhân chứng lịch sử nhắc nhớ ký ức kinh hoàng

Bão số 12 khiến hơn 28.000 nhà tốc mái.

Sự trùng hợp của bão số 12 và Linda

Theo tin tức mà PV báo Người Đưa Tin mới nhận được từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thống kê mới nhất ngày 5/11, bão số 12 đã làm 27 người chết, 22 người mất tích; hơn 28.000 nhà tốc mái, 4.360ha diện tích hoa màu bị ngập; 1.469 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Một cán bộ của trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, hiện bão số 12 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng ảnh hưởng của nó để lại vẫn vô cùng nguy hiểm, nhiều nơi mưa lớn nên khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng sạt lở đất, lũ lụt.

 Là người trực tiếp ứng cứu sau thảm họa bão Linda, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng bộ Thủy lợi (nay là bộ NN&PTNT) không thể quên những hình ảnh kinh hoàng về sự tàn khốc của thiên nhiên gây ra với con người.

Qua theo dõi các phương tiện truyền thông, ông thấy rằng, cơn bão số 12-bão Con voi có sức tàn phá lớn. Bão Con voi vào nước ta cùng ngày tháng, tương đương về cường độ, gần trùng lặp về địa điểm đổ bộ. Tuy nhiên, do năm nay chúng ta đã dự báo và phòng chống một cách tích cực và sâu sát nên hạn chế được phần nào thiệt hại so với cơn bão Linda đổ bộ vào Nam Bộ cách đây tròn 20 năm gây ra.

Trong khi đó, tròn 20 năm trước, bão Linda gây thiệt hại cho 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Hơn 3.000 ngư dân bị chết và mất tích, đánh chìm, hư hỏng hàng nghìn con tàu. Thiệt hại chủ yếu diễn ra trên biển. Bão Linda là một trong những thảm họa thiên tai lớn nhất trong 100 năm qua của Việt Nam. Hầu hết người thiệt mạng, mất tích đều ở trên biển, khi đang trên ngư trường đánh bắt.

Xã hội - Trùng hợp của bão Linda và Damrey: Nhân chứng lịch sử nhắc nhớ ký ức kinh hoàng (Hình 2).

GS.TS Vũ Trọng Hồng là người có nhiều năm làm công tác phòng chống lụt bão.

Nhiều bài học phải đúc kết

20 năm về trước, GS.TS Vũ Trọng Hồng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng bộ Thủy lợi, Phó đoàn công tác của Chính phủ về các tỉnh thành để khắc phục hậu quả cơn bão số 5-bão Linda. Là Thứ trưởng phụ trách phòng chống lụt bão nhiều năm nhưng chưa có cơn bão nào khiến ông đau xót tới vậy.

Ròng rã suốt một tháng liền, ông cùng đoàn đi tới tất cả những tỉnh thành gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão, nhìn thấy biết bao giọt nước mắt của những đứa trẻ ngóng cha và những người mẹ già xơ xác trước căn nhà tung hết nóc, những bãi biển cô liêu vắng bóng thanh niên trai tráng.  Và suốt 20 năm qua, hình ảnh tang thương vẫn găm vào ký ức người cán bộ già là chiếc thuyền bị sóng đánh rồi treo 20m trên ngọn dừa ở Côn Đảo.

Lật giở từng trang trong cuốn sổ ghi chép sự kiện thảm họa năm đó, ông cho biết, trước khi ông cùng đoàn cán bộ được cử về vùng bão, vào ngày 13/11/1997,  Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các Phó Thủ tướng đã có cuộc họp cùng đại diện các tỉnh thành bị thiệt hại do bão Linda ở phía Nam để nghe thông tin báo cáo tình hình sau cơn bão.

Dù 20 năm đã trôi qua nhưng nhìn vào những ghi chép tỉ mỉ, những sự kiện về cơn bão lịch sử vẫn như những thước phim tư liệu, ông Hồng bùi ngùi: “Chủ tịch tỉnh Cà Mau là anh Bẩy Trị nói trong cuộc họp hôm đó là, bà con ít tin có bão.

Hai năm trước báo bão thì bão không vào, cơn bão này báo chậm nên khi hay tin thì bà con đã ở ngoài khơi rồi. Bão lại đi nhanh, mạnh về đêm nên gây thiệt hại nhiều, trong khi đó phòng chống thiên tai thì không có kinh nghiệm. Riêng Cà Mau là 1.109 tàu thuyền bị đánh tan.

Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là anh Trọng Minh có nói, diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão xảy ra nhanh quá, lực lượng cứu hộ không có gì trong tay. Biết là Côn Đảo bị nặng nhưng không tài nào liên lạc được mà phải qua tàu đánh cá giữa khơi để truyền tin.

Sáu chiếc tàu ra cứu Côn Đảo nhưng cả sáu tàu đều tan. Khi đó, Côn Đảo trở thành căn cứ cứu hộ.

Còn riêng ở Tiền Giang thì anh Bẩy Bình nói ngư dân chết nhiều do không có phao, hoặc phao chất lượng kém, không bằng can đựng dầu. Còn Bạc Liêu thì nói, bão vào không có cách nào chống cả, nhân dân đành “chào bão”.

Sau khi nghe các tỉnh báo cáo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ có nói: “Bão vào mạnh, vệt Cà Mau - Kiên Giang bão mạnh cấp 8-9, Côn Đảo cấp 11-12 như một trận B52 bừa lên mặt đất và mặt biển. Bão gây thiệt hại nặng vì đang là mùa vụ. Ông khen Bình Định chống bão khá thiện chiến, hạn chế được thiệt hại. Thường thì áp thấp nhiệt đới  phải sau một thời gian mới mạnh thành bão, nhưng Linda thì mạnh lên luôn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng cho hay, trong cơn bão này, cứ ra lệnh cho tàu vào bãi ngang là va đập vỡ như ở Phú Quốc, Côn Đảo. Ngược lại, nhiều tàu bám trụ ở ngoài khơi thì sống sót. Đây không chỉ là chuyện trời đất mà thông tin thì cần phải đúc kết”.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.