Doanh thu tăng gần 9%, lợi nhuận giảm 50%
Thông tin trên Zing, báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho thấy, doanh thu năm vừa qua của tập đoàn này là hơn 4.842 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2017.
Giữa “lùm xùm” ly hôn và kiện tụng của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên, những tưởng rằng đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận mà Trung Nguyên thu về lại giảm liên tục trong những năm vừa qua.
Theo báo cáo tài chính của Trung Nguyên mà Zing có được thì kết thúc năm 2018, Trung Nguyên ghi nhận gần 347 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 50% so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2017, Trung Nguyên thu về 681 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng mức này cũng đã giảm hơn 11% so với 2016.
Như vậy, tình hình kinh doanh của Trung Nguyên 2 năm qua đã có sự xuống dốc “không hề nhẹ”.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Trung Nguyên sụt giảm đến từ việc giá vốn của hoạt động sản xuất kinh doanh tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp công ty giảm.
Năm 2018, Trung Nguyên ghi nhận 1.353 tỷ đồng lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm hơn 160 tỷ đồng so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn cũng giảm từ mức 37,4% năm 2016, xuống chỉ còn chưa tới 28% năm vừa qua.
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của Trung Nguyên chính là đà tăng mạnh của chi phí bán hàng.
Năm 2018, doanh thu tăng gần 9% nhưng Trung Nguyên đã phải chi ra tới 725 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 19%. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận trước thuế của công ty sụt giảm mạnh hàng trăm tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh sụt giảm liên tục của tập đoàn mẹ, các công ty thành viên của Trung Nguyên lại ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt.
Trong đó, Công ty Cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên ghi nhận 134 tỷ đồng doanh thu và 28 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng lần lượt 37% và 180% so với năm trước.
Doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên cũng tăng lần lượt 28% và 53% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu ước đạt 1.480 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 161 tỷ.
Cũng thông tin trên Zing, tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Tập đoàn Trung Nguyên vào khoảng 6.081 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2017 nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi sổ cuối năm 2016. Tổng lợi nhuận chưa phân phối của hệ thống này đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Chuỗi cà phê Trung Nguyên đứng ở đâu?
Theo VnExpress, từ năm 2015 đến 2018, doanh thu của chuỗi cà phê Trung Nguyên duy trì ở mức 300-350 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng không đáng kể so với sự bứt phá của phần còn lại. Thương hiệu này không hấp dẫn với giới trẻ, vốn thích những nơi ồn ào, phong cách trẻ trung nhưng cũng không quá phù hợp với dân công sở, những người cần chỗ để làm việc. Thay vào đó, Trung Nguyên phù hợp với những khách hàng thích thưởng thức cà phê, không gian yên tĩnh.
Giữa năm ngoái, chuỗi này một lần nữa thay đổi diện mạo sau 2 năm chuyển mình. Không tiết lộ số vốn đầu tư mới, nhưng Trung Nguyên khẳng định, tiền đầu tư cho dự án này khá lớn với các thư viện sách gồm hơn 16.000 cuốn thuộc 12 lĩnh vực của tủ sách nền tảng đổi đời. Ngoài ra, tại chuỗi mới còn có không gian riêng để khách hàng có thể tĩnh tâm đọc sách, thư giãn.
Trong khi đó, Công ty cổ phần dịch vụ cà phê Cao Nguyên – chủ sở hữu chuỗi cà phê Highlands Coffee thu về hơn 1.600 tỷ đồng năm 2018, tăng gần 31% so với năm 2017 và giữ vị thế đứng đầu.
Đứng thứ hai là chuỗi The Coffee House khi đạt 669 tỷ đồng năm 2018. Starbucks bị đẩy xuống vị trí thứ ba với gần 600 tỷ đồng. Phúc Long là chuỗi đứng vị trí thứ tư với 473 tỷ doanh thu.
Trong số các đối thủ của Trung Nguyên, The Coffee House được xem là đối thủ đáng gờm nhất. Lần đầu ra mắt vào tháng 8/2014, chuỗi cà phê The Coffee House liên tiếp gây ấn tượng với tốc độ phát triển nhanh chóng. Từ cửa hàng đầu tiên ở số 86-88 Cao Thắng, đến nay, chuỗi quán đã có mặt tại 6 thành phố lớn trên toàn quốc (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hoà, Hải Phòng, Vũng Tàu, Tiền Giang, Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Đồng Nai, Đắk Lắk, Cần Thơ, Bình Dương, Bắc Ninh).
Sau khi cán đích đạt 100 cửa hàng vào tháng 8/2018, đến nay, sau chưa đầy 1 năm, số lượng cửa hàng The Coffee House trên toàn quốc đã tăng 45% lên 145 cửa hàng-một tốc độ tăng trưởng thần tốc.
Tuy nhiên, mục tiêu của nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh còn lớn hơn thế: "Chúng tôi nhắm tới việc mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong vòng 5 năm tới, trung bình 10 cửa hàng mới mỗi tháng".
Về phần "đại gia ngoại" Starbucks, dù đã bước chân vào thị trường Việt 6 năm trời nhưng theo số liệu năm 2018, số lượng cửa hàng Starbucks chỉ ở con số 38. Trong khi đó, ở Thái Lan con số này là 330 cửa hàng, Indonesia là 320 còn Malaysia là 190.
Chi phí hoạt động cao gồm vấn đề thuê mặt bằng và khó khăn trong việc tìm địa điểm là 2 trong những lý do chính gây ra tình trạng này. Theo tính toán của một chủ quán cà phê ở Việt Nam, một cửa hàng Starbucks rộng 200 m2 ở TP.HCM cần tới khoản đầu tư ban đầu lên tới 215.000 USD (tương đương khoảng 5 tỷ đồng) trong khi đó một cửa hàng The Coffee House chỉ cần khoảng 86.000 USD.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam lại khẳng định: “Starbucks không tham gia cuộc đua ai mở được nhiều cửa hàng hơn mà tập trung đầu tư chiến lược dài hạn trong vòng 20 – 30 năm thay vì chỉ mang tính tạm thời trong 12 tháng”.
Trong một chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đề cập đến những mâu thuẫn giữa ông và bà Thảo đã ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn: "Toàn bộ hoạt động ở nước ngoài của Trung Nguyên bị ảnh hưởng vì phía bà Thảo can thiệp, ra văn bản, dùng con dấu để làm ăn với đối tác". Ông Vũ nhận định xử xong vụ ly hôn này thì Trung Nguyên sẽ cần 2-3 năm để gượng dậy được.
Ngày 16/06/1996, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê Việt Nam, với số vốn đầu tiên là chiếc xe đạp cọc cạch với niềm tin và ý chí mãnh liệt của tuổi trẻ cùng với khát vọng xây dựng một Thương hiệu cà phê nổi tiếng, đưa hương vị cà phê Việt Nam lan tỏa khắp thế giới.
Năm 1998, quán cà phê đầu tiên của Trung Nguyên ra đời tại TP.HCM là bước khởi đầu cho việc hình thành hệ thống quán Trung Nguyên tại các tỉnh thành Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…
Năm 2012, cà phê Trung Nguyên được bình chọn là Thương hiệu cà phê được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích nhất. Cũng trong nam đó, Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc với Ngày hội Sáng tạo Vì khát vọng Việt do Trung Nguyên tổ chức đã thu hút hơn 50.000 người tham gia.
Đình Văn (tổng hợp)