Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với chi tiêu quốc phòng của nước này dự kiến sẽ đạt con số đáng kinh ngạc 250 tỷ USD trong thập kỷ tới. Nga hy vọng sẽ chiếm phần lớn "chiếc bánh" thị phần bằng cách cung cấp thêm hàng loạt máy bay chiến đấu hiện đại, tàu ngầm, tên lửa và tàu sân bay thông qua các hợp đồng trong tương lai.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang trở thành khách hàng quen đối với các loại vũ khí tiên tiến của Nga trong nỗ lực so kè với sức mạnh quân sự Mỹ đang gia tăng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Với việc xuất khẩu vũ khí ngày càng tăng cho New Delhi và Bắc Kinh - bài toán cho Moscow là phải làm sao có sự cân bằng hợp lý để không bên nào cảm thấy bị đe dọa hoặc cảm thấy bị suy yếu từ những thương vụ này. Nếu không Nga có thể sẽ mất cả hai thị trường béo bở nói trên, cũng như mất đi mối quan hệ đối tác đang ngày một gần gũi với hai cường quốc.
Có một điều chắc chắn rằng, để giữ những "người khổng lồ châu Á" vui vẻ với nhau sẽ là điều không dễ dàng vì cả Ấn Độ và Trung Quốc luôn xem nhau như mối đe dọa an ninh lớn nhất trong khu vực.
Một khảo sát năm 2014 được tiến hành bởi Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 72 % số người Ấn Độ lo ngại rằng các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự. Nhìn chung dư luận đa số ở cả hai quốc gia dành cho nhau đều mang màu sắc tiêu cực.
Trong bối cảnh như vậy, ngay cả việc mua sắm vũ khí cũng trở thành một lĩnh vực cạnh tranh gay gắt với người đứng giữa là Moscow.
Nguy cơ
Ấn Độ và Trung Quốc có sức mạnh quân sự cả trên không lẫn mặt đất đều nằm ở mức tương đồng. Điều này dẫn đến các yêu cầu về phòng thủ cần phải được nâng cao.
Ngoài ra, cả hai cũng có tiềm lực tài chính dồi dào đủ khả năng để mua các loại vũ khí mới nhất và đắt tiền nhất. Kết quả là New Delhi và Bắc Kinh đôi khi mua các loại vũ khí tương tự nhau như máy bay chiến đấu Sukhoi-27 (và các biến thể), trực thăng Mi-17, máy bay vận tải Il-76 Ilyushin, và gần đây nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Việc mua vũ khí cao cấp trùng nhau giữa các quốc gia đối thủ là một hiện tượng tương đối mới. Trong Chiến tranh Lạnh, phương Tây và các đồng minh thường mua vũ khí từ các nước trong khối NATO, trong khi các nước Đông Âu và một số quốc gia khác có sự thân thiện với Moscow mua vũ khí của Nga. Phân định ranh giới rõ ràng như vậy bây giờ đã biến mất.
Trong một nỗ lực đối đầu với đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây và bảo vệ thị phần của mình, Moscow sẵn sàng bán những viên ngọc quý của ngành công nghiệp quốc phòng cho Trung Quốc.
Kể từ khi Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành các hợp đồng vũ khí giá trị hàng tỷ đô la từ Nga, cả hai đều bắt đầu lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin quân sự.
Đây không phải là một kịch bản quá xa vời mà đã xảy ra trên thực tế. Sau sự cố bị rò rỉ thông tin mật về tàu ngầm Scorpene của Pháp, Ấn Độ đã hoãn kế hoạch mở rộng trang bị tàu ngầm của mình.
Đặc biệt hơn, với các loại vũ khí mang độ chính xác của Nga, nỗi sợ hãi này sẽ càng gia tăng thêm. Ví dụ, Ấn Độ không có gì đảm bảo rằng những điểm mạnh và điểm yếu của dòng máy bay Sukhoi chưa được tiết lộ cho Không quân Pakistan hay chính Trung Quốc.
Việc bán Su-35, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga cho Trung Quốc là một sự lo ngại rất lớn khi một nửa các biến thể Sukhois thế hệ trước đã được giao cho Ấn Độ theo đơn đặt hàng riêng.
Mặc dù Bắc Kinh chỉ có 24 máy bay cùng loại nhưng với phạm vi hoạt động rộng, khả năng cơ động, hỏa lực mạnh mẽ và đặc điểm tàng hình một phần - Su-35 có khả năng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của một cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nếu xảy ra.
Một lần nữa, tuyên bố về việc bán S-400 cho Ấn Độ vào tháng 10/2016 tiếp tục thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Cần lưu ý rằng, hai năm trước, chính Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất thế giới. Điều này đã không thể trở thành lợi thế cho cả hai.
Tùy biến
Theo quan điểm của Ấn Độ và Trung Quốc, họ tin rằng Nga có thể cung cấp các biến thể tùy chỉnh khác nhau giữa hai bên. Giống như chiếc máy bay siêu cơ động Su-27 (NATO gọi là Flanker) có thể được coi là máy bay phản lực tùy biến nhất trong lịch sử.
Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua lại phiên bản tùy biến một chỗ ngồi trong năm 1992. Đến năm 2002 Ấn Độ trở thành khách hàng lớn nhất khi đặt mua tới 272 chiếc Su-30MKI - phiên bản hai chỗ ngồi có phạm vi chiến đấu rộng hơn và khả năng tải trọng cao.
Sukhoi được giao cho Ấn Độ có rất ít sự tương đồng với những chiến đấu cơ hàng tồn kho của Trung Quốc.
Về cơ bản, bộ khung hệ thống Su-30MKI được đích thân phía Ấn Độ xây dựng và được trang bị cảm biến cùng hệ thống liên lạc của Israel và Pháp. Giống như trang Strategy Page từng đánh giá: "Trên nhiều góc cạnh cạnh, Su-30MKI của Ấn Độ là phiên bản khác biệt nhất khi trang bị các thiết bị điện tử của Israel và châu Âu, cùng với thiết kế phù hợp với các phi công Ấn Độ".
Trên thực tế, khả năng tùy biến máy bay tiên tiến của Ấn Độ thành công đến nỗi không quân Nga đã phải thiết kế Su-30SM mới dựa trên một phần mẫu MKI.
Tương tự như vậy, các lực lượng không quân của Algeria, Malaysia và Việt Nam đã cấu hình lại máy bay của mình theo yêu cầu của từng nước, vì vậy mỗi quốc gia có một hạm đội Flanker đã được tùy biến khác biệt.
Nga ban đầu đã không chịu khi Ấn Độ muốn tùy chỉnh Sukhoi bởi điều này đồng nghĩa với việc các nhà thầu phụ của Nga sẽ bị thua thiệt. Tuy nhiên, những nỗ lực của Ấn Độ cuối cùng đã kéo theo đơn đặt hàng nước ngoài nhiều hơn dành cho Nga.
Không có lựa chọn thay thế
Ấn Độ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 và biết rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm có cho mình hệ thống này. Trên thực tế nếu New Delhi cảm thấy lo lắng họ có thể chọn cho hệ thống của Mỹ (Patriot) hoặc tên lửa của Israel.
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của Ấn Độ là bởi S-400 là hệ thống tên lửa phòng không lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới.
Ngay cả khi các phi công đối phương phát hiện đã bị nằm trong tầm ngắm, thoát khỏi mục tiêu của S-400 là điều không thể. (Tên lửa của hệ thống này có thể đạt tốc độ 5000m/s, nhanh hơn so với tốc độ tối đa của máy bay chiến đấu gấp 8 lần).
Chính bởi khả năng ưu việt này mà Mỹ và Israel phải kêu gọi Nga không cung cấp hệ thống S-300 cho Syria và Iran. Vũ khí như S-400 không có sẵn ở Mỹ hoặc các nước phương Tây khác, do vậy chúng rất khó để sao chép và nắm bắt thông số kỹ thuật.
Trung Quốc cũng có những mẫu S-300 cũ, tuy nhiên sự phức tạp của hệ thống này đã khiến họ phải bó tay trong việc thiết kế một mẫu tương tự. Cuối cùng Trung Quốc đã mua 6 hệ thống S-400 tân tiến với giá trị lên tới 3 tỷ USD, điều cho thấy rằng mẫu HQ-9 vốn được nước này tự hào trên thực tế không được đánh giá cao.
Quy tắc của Nga
Khi vũ khí được giao hàng từ các tàu và máy bay chuyên chở Nga tới nước sở tại, Moscow sẽ không kiểm soát mục đích sử dụng của chúng sau này.
Một trong những lý do khiến cho vũ khí của Nga ngày càng phổ biến trên toàn cầu là Moscow cũng bắt nguồn quy tắc nói trên.
Đây là một chính sách hợp lý, và khác với quan điểm của Mỹ - khi cường quốc này bán vũ khí nhưng sau đó lại áp đặt lệnh trừng phạt trong suốt thời gian diễn ra xung đột.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Nga có thể kèm theo một điều khoản riêng tư rằng Moscow sẽ không bán vũ khí trong tương lai nếu Ấn Độ và Trung Quốc sử dụng chúng để chống lại nhau.
Ví dụ như S-400 được Trung Quốc sử dụng với mục đích rõ ràng là chống lại các máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ đang hoạt động ở gần các khu vực tranh chấp.
Nó không nên được triển khai tại khu vực Himalaya nhằm chống lại Ấn Độ. Ngược lại, New Delhi cũng không thể đặt nó ở gần biên giới với Trung Quốc.
Tất nhiên, một khi chiến tranh xảy ra, quy định như vậy sẽ khó được áp dụng, nhưng nếu chúng được thực hiện trong thời bình thì sẽ có ít rủi ro dẫn đến leo thang căng thẳng.
Cuối cùng, một thực tế Moscow luôn hiểu rằng, nếu không có sự hỗ trợ từ hai quốc gia châu Á, ngành công nghiệp quốc phòng của họ sẽ chỉ là một cái bóng nhạt so với quá khứ.
Sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 và sự sụp đổ tất yếu của nền kinh tế tập trung của mình, Nga đã mất hầu hết thị trường vũ khí quốc tế của mình, bao gồm cả những quốc gia Đông Âu.
Trung Quốc đã tìm đến những hợp đồng đầu tiên và sau đó là Ấn Độ, giúp hồi sinh lại ngành sản xuất vũ khí quốc phòng Nga với những đơn hàng lớn.
Nhìn vào bức tranh chiến lược lớn hơn, Nga có thể yên tâm về việc Ấn Độ và Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp biên giới của mình mà không gây ra những va chạm.
Tuy nhiên với sự gia tăng về ngân sách quốc phòng vượt bậc của Ấn Độ cộng với sự thèm muốn các loại vũ khí tối tân của Trung Quốc có thể giúp Nga có thể thu được rất nhiều lợi ích từ hai thị trường này.
Quốc Vinh