Đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Trâm, trú tại Krông Năng (Đắk Lắk) về giá cau tươi bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay rồi rớt giá nhanh chóng.
Theo chị Trâm, gia đình chị trồng khoảng 500-600 cây cau từ 6-9 năm xen trong rẫy cà phê và sầu riêng, không phải chuyên canh trồng riêng cây cau trên đất. Tuy nhiên, năm nay, giá cau liên tục tăng cao, thương lái lùng sục khắp nơi tìm mua tận vườn với giá lên đến 105 nghìn đồng/kg.
Chị Trâm phấn khởi vì cau tươi năm nay bán được giá cao.
“Đầu tiên giá chỉ 50-60 nghìn đồng/kg rồi cứ thế tăng dần lên 80-90 nghìn đồng/kg. Mức cao nhất tôi bán là 105 nghìn đồng/kg, họ tự hái, mình chỉ việc ngồi nhìn cân tính tiền thôi đấy. Không hiểu sao mấy ngày nay lại sập giá nhanh thế”, chị Trâm nói.
Theo chị Trâm, cây cau trồng xen trên rẫy, dễ trồng lại không cần chăm sóc hay bón phân thuốc nhiều. Tuy nhiên, giá cau rất bấp bênh, năm được năm mất, lên rồi xuống rất khó nắm bắt.
Lấy ví dụ, chị Trâm cho biết, cách đây 2 năm, giá cau bất ngờ tăng vọt lên mức 70-90 nghìn đồng/kg rồi lao dốc, có thời điểm xuống chỉ còn 1-2 nghìn đồng/kg.
Cau nhà chị Trâm trồng xen canh ở rẫy sầu riêng và cà phê, năm nay có thời điểm bán được 105 nghìn đồng/kg.
“Năm ngoái còn bán được 20 nghìn đồng/kg chứ năm kia chỉ 1-2 nghìn đồng/kg cũng không ai mua. Năm nay thì giá cao quá nhưng cau thì có lứa, không phải thấy giá cao thì bán hết cả vườn được mà phải đạt tuổi họ mới cắt. Tuần trước đang 97-105 nghìn đồng/kg nhưng hôm nay chỉ còn 52 nghìn đồng/kg thôi. Thương lái họ vẫn mua nhưng thấp hơn 50 giá rồi”, chị Trâm nói.
Là chủ vựa thu mua cau tại xã Hải Đường, huyện Hài Hậu (Nam Định), anh Đỗ Hữu Hơn cho biết, giá cau mấy ngày nay hạ nhiệt, từ 70-80 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 50-60 nghìn đồng/kg.
Theo anh Hơn, vài ngày gần đây giá cau bắt đầu hạ nhiệt do thương lái Trung Quốc về nước nghỉ.
“Đợt vừa rồi giá cau tăng cao, mấy thương lái người Trung Quốc ở đây suốt. Mấy hôm nay chợ ế nên họ nghỉ, về nước, lại thêm cấm biên hạn chế mua. Giá xuống họ lại chọn cau đẹp để mua, chọn đầu chọn đuôi, khó cân hơn trước”, anh Hơn nói.
Sở hữu 2 lò sấy cau ở Nam Định và Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Long cho biết, giá cau khô năm nay có thời điểm lên tới trên 500 triệu đồng/tấn nhưng hiện tại xuống còn khoảng 400 triệu đồng/tấn.
“Phía Trung Quốc họ cấm nhập khẩu cau nên các thương lái bên đó phải tìm cách chuyển cau bằng đường biển. Họ mua, trả tiền xong xuôi rồi thuê các kho lạnh ở Hải Hậu để bảo quản, sau đó chuyển đi dần. Nếu bên đó mà cho phép nhập khẩu thì chắc chắn giá cau tươi phải lên tới 150-160 nghìn đồng/kg”, ông Long nói.
Sở dĩ giá cau tươi cao như vậy là vì sau khi thu mua, cau tươi sẽ được luộc chín rồi sấy khô, bán cho thương lái Trung Quốc để làm kẹo cau. Nguyên nhân giá cau tươi năm nay tăng cao là do ảnh hưởng của bão số 3 khiến sản lượng cau trên đảo Hải Nam bị thiệt hại, nguồn cung cho các nhà máy tại Trung Quốc bị thiếu hụt.
“Giá 1kg kẹo cau đang được bán là 10 triệu đồng, gấp 20 lần giá cau khô họ thu mua tại Việt Nam”, ông Long nhấn mạnh.
Hồng Cảnh