Năm 2008, khi công nhận thổ lâu Phúc Kiến là Di sản văn hoá thế giới, Ủy ban Di sản thế giới nhận xét: “Đó là điển hình phi thường của một truyền thống xây dựng, một chức năng thể hiện một lối sống cộng đồng đặc thù, một tổ chức phòng thủ và là điển hình phi thường về nhà ở xét theo mối liên hệ hài hoà với môi trường”.
Một kiểu kiến trúc độc đáo
Thổ lâu Phúc Kiến là những lâu đài bằng đất và cũng là nhà chung cư, ngôi nhà cộng đồng đại diện cho văn hóa của người Khách gia (Hakka). Người Khách gia có nguồn gốc từ Hà Nam, thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Vào năm 907, khi nhà Đường suy vong, để tránh khỏi cảnh chiến tranh và bệnh dịch, họ đã vượt sông Trường Giang, chạy xuống phía nam, đến định cư tại vùng núi Vũ Di, phía tây của tỉnh Phúc Kiến. Lúc mới đến, lợi dụng các vật liệu có sẵn ở địa phương, mỗi gia đình chỉ dựng lên cho mình một ngôi nhà nhỏ bằng tranh, tre, đất, đá....
Nhưng sau đó, do nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên, những người Khách gia sống rải rác trong các vùng đất xa xôi hẻo lánh buộc phải sống tập trung để hỗ trợ lẫn nhau. Từ những căn nhà nhỏ bé rời rạc, họ xây dựng lên những khu chung cư to lớn, không chỉ một tầng mà dần lên 3, 4 tầng, rồi 5, 6 tầng. Tường vách cũng vậy, cứ tiếp tục rộng ra và dày lên đến 1, 2 mét.
Nguyên vật liệu để xây dựng các thổ lâu là hỗn hợp đất sét, cát và vôi sẵn có ở địa phương. Người ta đắp đất vào một cái sườn hình mắt cáo do các thanh tre, nứa và gỗ tạo nên rồi thêm mật mía để làm chất kết dính. Đôi khi người ta cũng thêm nước cốt gạo nếp. Một khi đất đã khô, tường trở nên cứng đến mức khó đóng được đinh vào. Một câu ngạn ngữ địa phương: “Một bát đất xây bằng một bát thịt lợn” cho thấy giá trị của chất liệu xây thổ lâu. Khi đắp đất, người ta cũng chèn vào những cành thông để cho tường vững chắc hơn. Sau nhiều thế kỷ, khi lấy ra, những cành thông vẫn còn cứng cáp.
Trong số các thổ lâu tại tỉnh Phúc Kiến, nổi bật nhất là thổ lâu Vũ Xương. Sau khi tham quan thổ lâu Vũ Xương, một chuyên gia người Ý đã thốt lên: “Kiến trúc bằng đất xưa 700 năm này là một phép lạ để chống lại hỏa hoạn và trộm cướp”.
Đặc biệt các thổ lâu ở Phúc Kiến được thiết kế để chống lại các loại đạn của súng thần công bởi các bức tường ngoài dày đến 2 mét, có gác nhỏ để quan sát bên ngoài thổ lâu, có những lỗ châu mai trong bờ tường để có thể dùng vũ khí tấn công kẻ thù từ bên trong. Thổ lâu cũng có kết cấu thích nghi với các trận động đất. Cơn địa chấn vào năm 1918 chỉ làm cho thổ lâu Hoàng Cơ có một vết nứt dài 3m, rộng 20cm. Một kiến trúc sư ở Peru đã đến tham quan Phúc Kiến nhiều lần. Khi về nước, ông đã xây một thổ lâu giống như thổ lâu Phúc Kiến. Một thời gian sau, một cơn động đất xảy ra, tâm chấn chỉ cách thổ lâu của ông 10km nhưng tất cả nhà cửa chung quanh đều sụp đổ, chỉ có thổ lâu của ông còn đứng vững. Sau đó ông đã viết thư cho chính quyền Phúc Kiến để ca ngợi các thổ lâu.
Một cuộc sống thú vị
Sau khi đóng góp công của, vật tư và hoàn tất việc xây dựng, mỗi gia đình được phân chia vài căn phòng ở mỗi tầng. Các gian phòng tầng trệt được dùng làm nhà bếp, nhà kho chứa ngũ cốc, còn tầng 2 và tầng 3 là phòng ngủ và nơi sinh hoạt. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải. Các công trình như giếng nước, vườn cây… trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào. Việc sản xuất và sinh hoạt ở bên ngoài cũng như bên trong các khu nhà đều do tộc trưởng định liệu. Những người đứng đầu gia tộc này còn có nhiệm vụ chủ trì các nghi thức cúng bái, chỉ huy sự phòng vệ để đối phó với kẻ thù bên ngoài và tổ chức việc quan hệ với láng giềng...
Mỗi thổ lâu có một đôi câu đối viết ở cổng ra vào |
Sau khi đến tham quan, một số học giả nước ngoài đã nói: "Không nên cho rằng đây là một khu nhà ở to lớn, mà phải nói rằng nó là một đô thị nhỏ". Khẩu hiệu sống của cư dân trong đô thị nhỏ này đã được thể hiện rõ rệt trong câu đối viết ở hai bên cổng ra vào: "Thừa tiền tổ đức cần giữ kiệm/ Khải hậu từ tôn độc dữ canh". Xuất phát từ nội dung thể hiện trong câu đối này mà các Thổ lâu còn được gọi với cái tên là "Thừa khải lâu".
Sống trong các chung cư này phần lớn là những người cùng họ tộc nên sự tương thân tương ái rất cao. Nếu một gia đình đang phơi ngũ cốc mà trời đổ mưa thì mọi thành viên đều giúp một tay. Vào dịp lễ hội mùa xuân, người đại diện cho cộng đồng sẽ đi đến từng nhà để quyên góp tiền mua những câu đối. Theo truyền thống, tất cả những thành viên đi làm ăn xa đều phải trở về để họp mặt. Họ được xem là có kinh nghiệm và biết nhiều thông tin nên phải tổ chức một bữa tiệc trong đền thờ tổ tiên. Mỗi gia đình mang đến một bầu rượu và một món ăn, rồi mọi người cùng quây quần để chia sẻ kinh nghiệm.
Giang Thế Xương là một trong những người sáng lập thổ lâu Eryi, hiện có đến 4.000 hậu duệ cả trong nước lẫn nước ngoài. Trong thổ lâu đó có hơn 200 người thuộc 30 gia đình đều là hậu duệ của ông. Những người trẻ nhất thuộc thế hệ thứ 26. Một người sống trong thổ lâu tên là ông Giang Hạc Lữ, hiện gần 90 tuổi, là người già nhất trong thổ lâu Eryi. Từ trước đến nay ông luôn sống trong thổ lâu ngoại trừ thời gian trong quân ngũ. Ông có 4 con trai, 6 con gái, 10 đứa cháu. Tất cả các con cháu của ông đều đã đi xa, để ông ở lại một mình với bà vợ. Do mỗi ngày thổ lâu Eryi tiếp đón từ 100 đến 500 khách tham quan nên không gian yên bình trước đây trong các thổ lâu đã bị phá vỡ.
Quần thể Thổ lâu Sơ Khê |
Tại vùng núi tây nam Phúc Kiến đang còn khoảng 4.000 ngôi nhà đất của người Khách gia, phần lớn trong số đó được xây dựng vào thời nhà Thanh (thế kỷ 17 - 20). Nhưng cuộc sống trong các chung cư đó đã có nhiều biến đổi, không còn nhộn nhịp và đông đúc như ngày xưa. Nhiều người đã đi tìm sự đổi đời tại các thành phố như thủ phủ Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến. Họ chỉ trở về một vài lần trong năm, vào những ngày lễ tết. Một số người khá giả đã xây nên ra những cơ ngơi riêng biệt ở bên ngoài. "Đó là cách để có được cuộc sống tiện nghi hơn. Tôi cũng nghĩ tới việc rời khỏi đây cách đây hai năm. Nhưng gia đình tôi và tôi đã quen sống trong một cộng đồng." - Giang Hồng Phong, 28 tuổi, một thành viên trong thổ lâu Chengqi (nơi sinh sống của khoảng 200 người thuộc 30 hộ gia đình, tất cả đều mang họ Giang) cho biết. Cũng như anh Phong, nhiều người Khách gia vẫn coi thổ lâu là một hình ảnh thân thiết của dân tộc mình và là một nét kiến trúc độc đáo trong di sản văn hóa rất phong phú của người Trung Quốc.
Từ khi thổ lâu được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, chính quyền tỉnh Phúc Kiến tăng cường các biện pháp bảo vệ và tu sửa những di tích độc đáo, có một không hai trên thế giới này; đồng thời không cho bất kỳ cơ sở sản xuất nào (nhà máy điện, cơ sở viễn thông, tưới tiêu, văn hoá và chăn nuôi) đe doạ sự an toàn của các thổ lâu và phá hoại môi trường chung quanh.
Chín Hinh
Một lỗ châu mai trong thổ lâu Dụ Xương
Một cuộc sống thú vị
Sau khi đóng góp công của, vật tư và hoàn tất việc xây dựng, mỗi gia đình được phân chia vài căn phòng ở mỗi tầng. Các gian phòng tầng trệt được dùng làm nhà bếp, nhà kho chứa ngũ cốc, còn tầng 2 và tầng 3 là phòng ngủ và nơi sinh hoạt. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải. Các công trình như giếng nước, vườn cây… trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào. Việc sản xuất và sinh hoạt ở bên ngoài cũng như bên trong các khu nhà đều do tộc trưởng định liệu. Những người đứng đầu gia tộc này còn có nhiệm vụ chủ trì các nghi thức cúng bái, chỉ huy sự phòng vệ để đối phó với kẻ thù bên ngoài và tổ chức việc quan hệ với láng giềng...
Nơi thờ tổ tiên bên trong thổ lâu Chấn Thành