Nữ phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ
Tân Hoa Xã vừa cho biết, 3 phi hành gia sẽ lên tàu vũ trụ Thần Châu 9 để bay vào vũ trụ. Hiện, một quả tên lửa chở theo Thần Châu 9 đã nằm trên bãi phóng tại sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc để chờ bay lên vũ trụ vào giữa tháng 6 này. Theo trang tin, 3 phi hành gia sẽ kết nối với Thiên Cung 1 và sẽ sống trên này. Tuy nhiên, không rõ sứ mạng của họ sẽ kéo dài trong bao lâu.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 2 F mang theo Thần Châu 9 đang trên đường tiến ra bệ phóng
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Niu Hongguang, quan chức phụ trách chương trình chinh phục không gian có người điều khiển của Trung Quốc, nói rằng danh sách phi hành đoàn có thể gồm một người phụ nữ. Hồi năm 2010, Trung Quốc từng thông báo rằng hai nữ phi công đã tham gia chương trình huấn luyện phi hành gia của họ, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết gì.
Chương trình chinh phục không gian của Trung Quốc đã tiến triển đều đều kể từ năm 2003, khi họ phóng tàu đưa người lên vũ trụ. Theo sau sự kiện chấn động, vốn biến Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới tự đưa người vào không gian, nước này đã phóng tàu đưa người thành công vào không gian thêm hai lần nữa, với một lần phi hành gia đã rời tàu để đi vào khoảng không.
Bắc Kinh đã hình thành tham vọng triển khai trạm vũ trụ riêng, sau khi bị từ chối đưa người lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), chủ yếu do vấp phải sự phản đối của Mỹ. Washington lo ngại chương trình vũ trụ của Trung Quốc có mối liên hệ với các hoạt động quân sự. Ngoài ra, việc chia sẻ công nghệ với Trung Quốc, nước được xem như đối thủ về mặt kinh tế và ẩn chứa tiềm năng đối đầu về mặt quân sự với Mỹ, là điều Washington khó chấp nhận.
Tham vọng sở hữu trạm vũ trụ riêng
Tháng 9 năm ngoái, hoạt động "xây móng" cho trạm vũ trụ Thiên Cung đã bắt đầu, khi Trung Quốc phóng module Thiên Cung 1 vào quỹ đạo Trái đất. Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn sẽ đóng vai trò là thiết bị thử nghiệm nhiều hoạt động trong không gian. Nó được xem như bước đi chuẩn bị cần thiết tối quan trọng để Trung Quốc xây trạm vũ trụ riêng.
Không ít nhà quan sát đánh giá Thiên Cung 1 là sự kiện đáng ghi nhớ của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Theo Gregory Kulacki, chuyên gia về Trung Quốc ở tổ chức Liên minh Điều các nhà khoa học quan tâm (USC), mới nhìn qua Thiên Cung 1 tưởng như không có gì đặc biệt. Module chỉ có kích thước vỏn vẹn 8 tấn, nhỏ hơn nhiều module Skylab nặng 80 tấn của Mỹ phóng lên quỹ đạo Trái đất năm 1973 hay module chính nặng 22 tấn của trạm vũ trụ Hòa Bình phóng lên trong năm 1986. Để tiện so sánh, trạm ISS có tổng trọng lượng lên tới 450 tấn.
Trong khi các module như Skylab kết nối được trên không gian nhờ có sự điều khiển trực tiếp của các phi hành gia, module Thiên Cung 1 lại được thiết kế để điều khiển việc kết nối từ xa. Tháng 11 năm ngoái, Thiên Cung 1 đã kết nối thành công với tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8, qua công nghệ mới này, vốn được đánh giá là thành tích vô cùng ấn tượng.
Ngoài ra, Kulacki cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã có kế hoạch khai trương trạm vũ trụ riêng nặng 70 tấn của họ trên quỹ đạo Trái đất vào đầu năm 2020. Thật trùng hợp, đây là thời điểm ISS chuẩn bị về hưu. Nếu cả hai điều trên cùng xảy ra trong năm 2020, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ là trạm duy nhất của nhân loại - Kulacki nói.
Theo Tân Hoa Xã, trong vài ngày tới, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ kiểm tra hoạt động của tên lửa đầy Trường Chinh 2F và hệ thống điều khiển dưới mặt đất. Trong lần thử nghiệm này, có 1 thành viên phi hành đoàn sẽ ở lại trên tàu Thần Châu 9 và không vào trong Thiên Cung 1, nhằm đề phòng tình huống khẩn cấp xảy ra. Trung Quốc cũng có kế hoạch lắp ghép 2 module vũ trụ nữa với Thiên Cung 1 trong năm nay, như một đợt tập dượt hoàn chỉnh, trước khi triển khai trạm vũ trụ chính thức của nước này trong vòng 8 năm tới.
Giáng Hương