Trung Quốc đáp ứng đủ điều kiện…
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nắm quyền, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin giải quyết xung đột Syria. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn khác mà Washington và Moscow sẽ cùng phải đau đầu suy nghĩ về sau là ai sẽ đứng ra chi trả giúp Syria tái thiết kinh tế hậu chiến tranh với chi phí ước tỉnh khoảng 1 nghìn tỷ USD.
Đối với một số nhà quan sát, Trung Quốc dường như sẽ trở thành nhân vật đảm nhiệm trọng trách trên.
Theo nhà nghiên cứu chính trị Wang Jin từ Đại học Haifa (Israel), Trung Quốc đang có cả nền tảng về chính trị cũng như khả năng kinh tế giúp Syria phục hồi kinh tế. Đổi lại, Trung Quốc sẽ đóng vai trò kinh tế chính ở đất nước Trung Đông này.
Về mặt chính trị, Trung Quốc phần lớn đồng tình với Nga, Iran và chính phủ Syria trong quan điểm không can thiệp nội bộ quốc gia và nhấn mạnh vào giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự. Mặt khác, Trung Quốc cũng lo lắng rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan có thể lan từ vùng chiến sự Syria sang các tỉnh ở phía tây Trung Quốc như Tân Cương, Ninh Hạ, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi và người Hoa theo đạo Hồi đang sinh sống.
Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria còn là cơ hội để các phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc có cơ hội được luyện tập và chiến đấu. Trung Quốc lo sợ rằng những người này sau đó sẽ quay trở lại Trung Quốc và tiến hành những vụ khủng bố, đe dọa an ninh trong nước.
Bắc Kinh cũng lo ngại về chiến thắng của những phiến quân đối lập Syria, bởi đó là động lực để những phần tử chống đối trong nước trỗi dậy gây kích động khiến nền kinh tế và chính trị trở nên bất ổn.
Xem thêm: Ông Trump đáp trả gay gắt vụ tình báo không gửi báo cáo mật
Để những khả năng trên không xảy ra, Trung Quốc cần phải đứng về phía Nga và Iran nhằm “bảo vệ” chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trên chính trường quốc tế. Vì vậy, với khả năng hiện có, các chuyên gia nhận định Bắc Kinh có thể sẽ chi tiền cho chính phủ Syria nhằm tái thiết kinh tế sau chiến tranh.
Về mặt kinh tế, nhà nghiên cứu Wang Jin cho rằng Trung Quốc hiện có đủ khả năng hỗ trợ Syria. Với sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở nước ngoài đã nhảy vọt một cách nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã mua lại những công ty ở nước ngoài và tiếp tục đầu tư, cho thấy tham vọng kinh tế lớn lao của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tự đứng ra thành lập một số tổ chức quốc tế, điển hình là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), với hi vọng cải cách hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay.
Với việc Trung Quốc mở rộng cả tham vọng kinh tế và chính trị ở nước ngoài thì việc đóng vai trò chủ chốt ở Syria dường như là một cơ hội vàng với Bắc Kinh. Theo nhận định của chuyên gia Wang Jin, lượng dự trữ ngoại tệ “khủng” (hơn 3 nghìn tỷ USD) của Trung Quốc là một động lực tích cực để Bắc Kinh hỗ trợ chính quyền Damascus tái thiết.
… nhưng Bắc Kinh có sẵn sàng?
Dù có đủ điều kiện nhưng tới nay Trung Quốc vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với việc giúp Syria phát triển kinh tế thời hậu chiến. Thứ nhất, Trung Quốc chủ yếu quan tâm tới việc ngăn chặn những phần tử Hồi giáo cực đoan. Nếu Trung Quốc giữ vai trò chủ chốt ở Syria thì không khác gì Bắc Kinh đang tự biến mình trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dòng Sunni vì đã giúp đỡ chính quyền ông Assad, chính quyền của người Hồi giáo dòng Shitte.
Thứ hai, theo ông Wang Jin, Trung Quốc cần thận trọng để không khiến Nga và Iran hiểu lầm, coi Bắc Kinh là “mối đe dọa” với họ, bởi Moscow và Tehran vốn có sự quan tâm sâu sắc tới Syria từ trước. Thêm vào đó, việc mở rộng hoạt động kinh tế ra phạm vi nước ngoài vốn rất dễ bị hiểu sang mục đích chính trị và tạo sức ảnh hưởng.
Dù tích cực triển khai sáng kiến Một vành đai, Một con đường nhưng Trung Quốc luôn thận trọng để không “chọc giận” các đối thủ ở khu vực cũng như những nước lớn khác, điển hình là Nga và Iran. Trung Quốc cảm thấy cần phải tôn trọng sự ảnh hưởng của Nga ở Trung Á cũng như tầm ảnh hưởng của Iran ở Vùng Vịnh. Bất kỳ động thái nào giúp Trung Quốc có thể giữ vị trí số 1 tại Syria chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức tỏng quan hệ song phương Trung – Nga và Trung Quốc – Iran.
Cuối cùng, điều quan trọng là năng lực kinh tế của Trung Quốc đang dần suy thoái trong những năm gần đây. Năm 2012, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là hơn 4 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ vài năm sau sáng kiến OBOR thì chỉ còn 3 nghìn tỷ USD. Dù đây là giá phải trả cho việc mở rộng kinh tế ra phạm vi toàn cầu nhưng điều đó cũng khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy sốc.
Hơn nữa, tình trạng quản lý kém và không hiệu quả của các công ty nhà nước Trung Quốc đã gây ra tình trạng rửa tiền và tham nhũng, gây thất thoát cho nền kinh tế trong nước. Hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng vẫn tiếp tục theo đuổi sáng kiến OBOR nên Bắc Kinh có thể sẽ không chi một số tiền lớn vào Syria sau nội chiến, dù Trung Quốc luôn quan tâm tới việc đầu tư vào Syria, đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên.
Trung Quốc có cơ hội?
Tuy nhiên, dù Trung Quốc có tiềm năng kinh tế và sẵn sàng “móc hầu bao” giúp Syria, liệu Washington và Moscow cùng các bên liên quan có để cho Bắc Kinh làm điều đó?
Theo số liệu mà Lầu Năm Góc công bố vào tháng 1/2017, số tiền mà chính phủ Mỹ đã chi cho các hoạt động oanh kích và tấn công lực lượng khủng bố Hồi giáo IS năm 2016 là 10,7 tỷ USD, gần gấp đôi so với con số 5,5 tỷ USD của năm 2015.
Trong khi đó, dù phải đương đầu với suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhưng chính phủ Nga vẫn mạnh tay chi tiền để duy trì chiến dịch quân sự tốn kém ở Syria. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, dựa vào tần suất máy bay xuất kích số tiền mà Moscow chi cho chiến dịch ở Syria rơi vào khoảng từ 3 đến 9,5 triệu USD/ngày.
Có thể thấy, tham vọng của Mỹ và Nga đặt vào “canh bạc” Syria là rất lớn, họ đều muốn tạo ra sức ảnh hưởng đối với chính quyền Damascus tương lai, kéo chính phủ Syria về phía mình thông qua cách mà họ mạnh bạo đầu tư vào các cuộc không kích. Đối với Nga, dù có khả năng phải đối mặt với những gánh nặng đè lên vai nền kinh tế khó khăn nhưng điện Kremlin vẫn đều đặn cho không kích. Điều đó cho thấy quyết tâm của Nga đối với Syria và tham vọng của Moscow ở Trung Đông.
Trong các diễn biến ở Syria, Nga, Mỹ luôn tỏ ra là người “anh cả” đứng ra dàn xếp mọi chuyện nhằm tìm kiếm ra giải pháp có lợi cho quốc gia của mình cũng như cho Syria. Trong khi đó, Trung Quốc hầu như không can thiệp vào nội bộ cuộc chiến. Vì vậy, không dễ gì Nga và Mỹ cũng như các bên liên quan như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng để Bắc Kinh “chen chân” vào giữa và “ngư ông đắc lợi”.
Xem thêm: Nga-Mỹ đang bí mật liên thủ tác chiến ở Syria?
Danh Tuyên