Theo ông Quỳ, 2 điều kiện này đảm bảo cho việc Trung Quốc bỏ ra 100 tỷ USD là không thể thất bại, nếu có thất bại thì Trung Quốc cần được đảm bảo lợi ích đến các nước uy tín ở Châu Âu.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes, Pháp
Điều kiện thứ nhất là Trung Quốc phải biết chắc là Quỹ Bình ổn Tài chính ( FESF) sẽ hữu hiệu, có thể giúp ổn định tình hình châu Âu. Trung Quốc muốn được đảm bảo về hiệu quả của cơ chế này. “Vì không có gì tai hại hơn đối với Trung Quốc là đóng góp vào một cái gì sẽ thất bại.”
Điều kiện thứ hai là Trung Quốc phải được những khoản bảo đảm cụ thể, vì không loại trừ là công việc sẽ không kết quả. Và những khoản bảo đảm này sẽ được ai đưa ra, phải chăng là những nước như Pháp, và nhất là Đức ?
Nhân vật Trung Quốc còn nhắc thêm là : “Nếu Trung Quốc đầu tư và ủng hộ châu Âu, thì không phải là điều quá đáng khi Trung Quốc yêu cầu châu Âu thông cảm hơn với những quyền lợi của Trung Quốc.”
Trong buổi gặp gỡ làm việc tối qua với Tổng thống Pháp tại Cannes, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định là "việc giải quyết nợ trước tiên là công việc của châu Âu", và ông tin tưởng là châu Âu có đủ khả năng và kinh nghiệm để làm việc này. Chủ tịch Trung Quốc còn trấn an là sẽ tích cực ủng hộ Pháp nhân cuộc họp thượng đỉnh này.
Cũng hôm qua, Bộ ngoại giao Trung Quốc, qua lời người phát ngôn, đã thúc giục châu Âu áp dụng "kế hoạch cứu vãn vùng sử dụng đồng euro’’.
Trung Quốc rất lo ngại trước tình hình nợ châu Âu càng thêm phức tạp, sau thông báo trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Khủng hoảng của châu Âu gây khó khăn cho Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc và Bắc Kinh đang nắm 550 tỷ đôla trái phiếu châu Âu.
Trước tình hình này trong lúc ngành ngoại giao Trung Quốc cố trấn an, có những tuyên bố tích cực, dư luận ngay tại Trung Quốc đang ngày càng chỉ trích gay gắt ý định giúp đỡ châu Âu.
Lê Hòa (theo Le Figaro)