Trung Quốc đi tìm lý do người dân không còn thích mì ăn liền

Trung Quốc đi tìm lý do người dân không còn thích mì ăn liền

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 21/12/2017 17:45

Từng là thực phẩm "tối thượng" ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới, mì ăn liền giờ đây bất ngờ không còn được ưa chuộng bởi nhiều nguyên nhân không thể tin nổi.

Hồ sơ - Trung Quốc đi tìm lý do người dân không còn thích mì ăn liền

Mì ăn liền là món ăn già trẻ lớn bé đều yêu thích.

Với nước sốt, thịt khô và rau thơm tạo nên hương vị quyến rũ, mì ăn liền đã từng là thực phẩm tiện lợi phổ biến nhất ở Trung Quốc, nhưng doanh thu của thứ đồ ăn nhanh này đã sụt giảm một cách khó hiểu trong vài năm trở lại đây, theo Tân Hoa Xã.

Dễ nấu, dễ mua và giá thành rẻ, mì ăn liền là món ăn "tối thượng" được tất cả mọi tầng lớp đều yêu thích. Từ bữa ăn nhẹ cho sinh viên, cho đến lựa chọn ấm bụng cho những người quá bận rộn với công việc, đã có 42,2 tỷ gói mì được bán ở Trung Quốc trong năm 2013.

Nhưng vào năm 2016 con số này đã giảm đáng kể xuống còn 38,5 tỷ gói, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới.

Trong khi hầu hết các thị trường mì ăn liền khác vẫn khá ổn định trong vài năm trở lại đây (thậm chí là tăng trưởng tốt), sự thay đổi kỳ lạ trong thói quen ăn mì ở Trung Quốc là một điều bất bình thường.

Sự sụt giảm doanh số bán mì ăn liền có vẻ như là một điều không đáng gây chú ý, nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu vấn đề này, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng nó đi liền cùng với những thay đổi bộ mặt xã hội ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ký ức thơ ấu

 

Hồ sơ - Trung Quốc đi tìm lý do người dân không còn thích mì ăn liền (Hình 2).

Tuy nhiên giờ đây người Trung Quốc không còn thích mì ăn liền như trước.

Đối với Geng Mei, một giáo viên dạy tiếng Anh tại Bắc Kinh, thưởng thức một bát mì ăn liền nóng hổi là một phần kỷ niệm gắn liền với thời thơ ấu.

"Giá rẻ và hương vị ngon, mì ăn liền đã rất phổ biến khi tôi còn là một đứa trẻ", người phụ nữ 30 tuổi hồi tưởng. "Nhưng bây giờ tôi thậm chí không thể nhớ lần cuối cùng mình ăn chúng là khi nào", Geng nói với Tân Hoa Xã.

Mì ăn liền được phát minh tại Nhật Bản vào những năm 1950 và nhanh chóng thành cơn sốt trên khắp châu Á, châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Thứ đồ ăn nhanh đậm đà này đã phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc vào những năm 1980 và 1990, với những lát mì được đóng gói tiện lợi, phổ biến trong các cửa hàng đồ ăn nhẹ và siêu thị.

Tuy nhiên, Tingyi, công ty sản xuất nhãn hiệu mì ăn liền Master Kong, đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu đáng kinh ngạc từ 4,3 tỷ USD vào năm 2013 xuống còn 3,2 tỷ USD trong năm 2016. Đầu năm nay, công ty này thậm chí đã phải bán lại nhà máy sản xuất ở thành phố Tây An.

Xã hội thay đổi

 

Hồ sơ - Trung Quốc đi tìm lý do người dân không còn thích mì ăn liền (Hình 3).

Món ăn không thể thiếu của những người lao động nhập cư tại các thành phố lớn Trung Quốc.

Theo Zhang Xin, phó giáo sư về kinh tế và tài chính tại Đại học Đồng Tế (Trung Quốc), lượng người nhập cư vào các thành phố lớn bị thu hẹp đã làm tổn hại đến các tập đoàn mì ăn liền vì họ là đối tượng tiêu thụ lớn nhất.

Năm 2015, số lượng người nhập cư của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong khoảng 30 năm trở lại đây. Năm ngoái lao động nhập cư tiếp tục giảm 1,7 triệu so với năm 2015.

Những người nhập cư sống xa nhà, thường ở trong các căn hộ nhỏ với cơ sở vật chất nấu ăn thiếu thốn. Họ tìm đến mì ăn liền như một hình thức ăn uống nhanh chóng và tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình.

Sự gia tăng kinh tế đồng đều ở đại lục đang phân bổ trở lại nguồn lao động nhập cư vốn tập trung ở các thành phố ven biển. Các điều kiện được gia tăng cũng giúp cho nhiều người tự lập nghiệp ở quê hương thay vì đi xa.

Ngoài ra, sự phát triển bùng nổ của mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng là kẻ thù bất ngờ của ngành công nghiệp mì ăn liền.

"Tôi ăn mì ăn liền cho bữa sáng, trưa và ăn đêm trong hành trình 20 tiếng đồng hồ trên tàu trong quá khứ", Tang Mingsheng, lao động làm việc ở Phúc Châu nói.

Nhưng kể từ năm 2013, Tang về nhà ăn Tết trên chuyến tàu cao tốc chỉ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Do đó anh cũng ít ăn mì hơn. Nếu nhân lên với con số 500 triệu lượt hành khách về quê mỗi dịp Tết đến, đây sẽ là thiệt hại khổng lồ cho các hãng mì ăn liền.

Đường sắt đã từng một thị trường quan trọng đối với mì ăn liền, nhưng các nhà ga hiện đại giờ đây đang tìm đến các món ăn đa dạng và cao cấp hơn, Long Shuhai, một nhà phân phối mì ăn liền ở Vân Nam nói.

Các toa tàu giờ đây bán kem Haagen-Dazs, trái cây nhập khẩu và hộp ăn trưa, ngược lại các gói mì ăn liền không còn được ưa chuộng.

Các dịch vụ giao đồ ăn nhanh ở Trung Quốc cũng đóng vai trò kết liễu mì ăn liền. "Giao đồ ăn nhanh mang đến lựa chọn ăn uống đa dạng hơn", Geng nói với Tân Hoa Xã.

Hồ sơ - Trung Quốc đi tìm lý do người dân không còn thích mì ăn liền (Hình 4).

Các hãng mì ăn liền đang muốn thay đổi nhận thức rằng sản phẩm của họ không còn là đồ ăn bình dân.

Số lượng người sử dụng dịch vụ giao đồ ăn nhanh đã đạt con số 295 triệu vào cuối tháng 6 vừa qua. Thậm chí dịch vụ này còn được triển khai ngay trên các tuyến đường sắt cao tốc và các trạm dừng nghỉ.

"Sự suy giảm doanh số mì ăn liền cho thấy một sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của Trung Quốc", chuyên gia Zhao Ping từ Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc lý giải.

"Người tiêu dùng đang quan tâm nhiều đến chất lượng cuộc sống hơn là chỉ làm đầy bụng của họ hàng ngày", ông nói thêm.

Ngành công nghiệp mì ăn liền đang cố gắng lấy lại ánh hào quang bị mất thông qua việc phát triển nhiều hương vị mới, đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm để cải thiện nhận thức của người tiêu dùng rằng đây không còn là thứ thực phẩm bình dân.

Nhưng không giống như thời gian để nấu một gói mì chỉ mất 3 phút, mong muốn của các nhà sản xuất sẽ không dễ đạt được trong ngày một ngày hai.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.