Trung Quốc dùng 45 tỷ USD để mua "ảnh hưởng" ở châu Á như thế nào?

Trung Quốc dùng 45 tỷ USD để mua "ảnh hưởng" ở châu Á như thế nào?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 27/06/2018 20:00

Đặc biệt, các khoản đầu tư này lại dành cho những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia thay vì các nước có vị trí địa lý gần hơn như Indonesia, Campuchia , Malaysia và Thái Lan.

Trung Quốc dùng 45 tỷ USD để mua 'ảnh hưởng' ở châu Á như thế nào?

"Vành đai Con đường" là dự án tham vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng liên lục địa.

Theo các nhà phân tích, trong lúc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác bằng các khoản đầu tư, viện trợ lên tới 45,8 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương suốt 16 năm qua, ảnh hưởng của Bắc Kinh về chính trị cũng được gia tăng không hề nhỏ.

Theo AidData, một dự án có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi dòng chảy viện trợ phát triển trên thế giới, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng hình ảnh của mình như một sự trỗi dậy hòa bình thay vì thể hiện là một quốc gia mang đến những mối đe dọa.

Trong báo cáo mới phát hành gần đây, AidData lưu ý thay vì cung cấp các khoản viện trợ một cách vô tư, Bắc Kinh luôn có các bước đi chiến lược trong việc triển khai hỗn hợp các công cụ ngoại giao công chúng - dựa trên đánh giá các rủi ro và lợi ích tiềm tàng - để xúc tiến ở các quốc gia có cơ hội mang lại giá trị lợi ích cao cho mình.

Phát hiện này giúp giải thích tại sao các đối thủ lớn trong khu vực của Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia lại nhận được nhiều khoản đầu tư hơn và có tiếp xúc ngoại giao đa dạng hơn - bao gồm các chuyến thăm chính thức - so với các nước khác có vị trí địa lý gần như Indonesia, Campuchia, Malaysia và Thái Lan.

Samantha Custer, tác giả chính của báo cáo và Giám đốc phân tích chính sách của AidData cho biết: “Các nước này (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia) là mục tiêu đáng quan tâm của Bắc Kinh vì họ có khả năng làm suy yếu sức mạnh địa chiến lược của Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao hoặc quân sự”.

AidData, có trụ sở tại trường Cao đẳng William & Mary ở bang Virginia, Mỹ đã xác định “mối quan hệ giữa số lượt thăm chính thức tới một quốc gia Đông Á, Thái Bình Dương và mức độ liên kết chính sách đối ngoại” với Trung Quốc.

"Các chuyến thăm chính thức mà các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương có được càng đồng nghĩa với việc họ có nhiều khả năng bỏ phiếu hơn cho Trung Quốc tại Đại hội đồng LHQ", các nhà nghiên cứu cho biết.

Nói một cách cụ thể hơn, ngoại giao “cấp cao” của Trung Quốc đã trở thành “một trong những công cụ mạnh nhất để Bắc Kinh tôi luyện mối quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa chính trị”, báo cáo của AidData nhận định.

Những chiến thuật tương tự của Trung Quốc đã chứng minh hiệu quả đặc biệt trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ với Philippines thời gian qua.

Trung Quốc dùng 45 tỷ USD để mua 'ảnh hưởng' ở châu Á như thế nào? (Hình 2).

Dự án Thành phố Tài chính Quốc tế Colombo mà Trung Quốc ấp ủ thực hiện ở Sri Lanka.

Trong số 48 tỷ USD mà Bắc Kinh giải ngân trong khu vực từ năm 2000 đến năm 2016, có tới 95% (tương đương 45,8 tỷ USD) là dành cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Ngược lại, Trung Quốc đã chi 273 triệu USD cho viện trợ nhân đạo, 613 triệu USD hỗ trợ ngân sách/tài trợ trực tiếp cho chính phủ và 90 triệu USD để giảm nợ, theo AidData.

Những khoản đầu tư này chủ yếu được tập trung vào năm 2013 khi sáng kiến “Vành đai Con đường” ra mắt, một kế hoạch lớn để kết nối Trung Quốc với châu Phi và châu Âu thông qua mạng lưới giao thông xuyên lục địa với những tuyến đường và cây cầu được xây mới.

Kể từ khi ra mắt, “Vành đai Con đường” đã nổi lên như một công cụ được sử dụng phổ biến nhất ở thượng tầng Bắc Kinh để giành được sự hợp tác từ các nước láng giềng trong khu vực, báo cáo từ AidData chỉ rõ.

Thành công của Bắc Kinh trong việc xây dựng mối quan hệ với giới chính khách cao cấp trong khu vực đã được chứng minh khi nước này gia tăng sức mạnh về chính trị và kinh tế trên toàn cầu trong nỗ lực cải tổ trật tự quốc tế đã bị chi phối trong nhiều thế kỷ bởi phương Tây.

Trong báo cáo này, AidData đã phỏng vấn 76 nhân vật là lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự, hành chính và dân sự, phân tích dữ liệu công khai và thực hiện các nghiên cứu điển hình ở Philippines, Malaysia và Fiji.

Báo cáo kết luận rằng, cư dân của các khu vực trên có xu hướng xem Trung Quốc như một đất nước có ảnh hưởng lớn, trong khi các nhà lãnh đạo của họ coi trọng Trung Quốc như một nhà đầu tư luôn hào phóng.

AidData cho rằng, Bắc Kinh đang nỗ lực một cách lâu dài để xây dựng được ảnh hưởng lớn trên sân khấu quốc tế, thông qua các khoản viện trợ nước ngoài kết hợp với một loạt các chiến lược ngoại giao để tạo được liên kết sâu với các quốc gia hàng xóm thay vì chỉ dùng tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tùy thuộc vào đánh giá rủi ro và lợi ích có thể đạt được đối với một quốc gia được nhắm tới, các hoạt động ngoại giao có thể bao gồm các khoản đầu tư tài chính; các chuyến thăm chính thức cấp cao; kết nghĩa thành phố; và thành lập viện Khổng Tử.

Mặc dù đạt được khá nhiều thành công, nhưng Custer cho biết những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc có thể bị tổn hại trong quá trình chuyển đổi chính trị khó đoán.

Một trường hợp điển hình là Malaysia, nơi Thủ tướng mới được bầu Mahathir Mohamad cho biết ông sẽ xem xét lại các thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được ký bởi người tiền nhiệm Najib Razak, nhân vật được cho là gần gũi với Bắc Kinh.

Ngoài ra còn có một số yếu tố khác có thể đe dọa những lợi ích của Trung Quốc, bên cạnh đó nhiều nước nhận thức rằng, Trung Quốc không phải lúc nào là quốc gia giữ lời hứa và những lo ngại về việc trở thành con nợ của Bắc Kinh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.