Theo The Intercept, với Dragonfly, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ theo dõi hành vi của người dân cũng như kiểm duyệt nội dung dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện tại công cụ tìm kiếm này chỉ có thể hoạt động trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.
“Những năm qua, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều để giúp người dùng tại Trung Quốc, từ việc phát triển các ứng dụng dành cho thiết bị di động như Google Translate, Files Go đến các phần mềm hỗ trợ lập trình viên. Nhưng công cụ tìm kiếm vẫn chỉ đang dừng ở bước phát triển. Phải rất lâu nữa nó mới thực sự sẵn sàng đưa vào ứng dụng tại Trung Quốc”, phát ngôn viên Google trả lời phỏng vấn tờ Fortune.
Google đang lập kế hoạch tái đầu tư vào thị trường công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc, một trong số đó là phát triển sao cho không vi phạm luật kiểm duyệt nghiêm ngặt ở nước này. Ngoài ra, việc đặt văn phòng và trung tâm dữ liệu mới ở Trung Quốc cũng là thách thức lớn không kém với những người điều hành.
Hiện tại, trụ sở Google ở Hong Kong vẫn đang vận hành một công cụ tìm kiếm cho phép truy cập các nội dung bị chặn ở Trung Quốc.
Những năm trở lại đây, Trung Quốc đã chặn truy cập với các trang mạng xã hội lớn trên thế giới và kiểm duyệt các blog, trang web nghiêm ngặt hơn.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty Internet phải thu thập tên thật của người sử dụng. Nhưng việc tuân thủ chưa được đồng nhất.
Ông Eric Harwit là Giáo sư nghiên cứu châu Á của trung tâm Đông Tây có trụ sở ở Hawaii chuyên theo dõi hoạt động trên mạng ở Trung Quốc cho biết, dù các quy định không phải là mới mẻ, nhà cầm quyền dường như gửi đi một tín hiệu rằng người sử dụng sẽ bị trừng phạt nếu họ đi quá xa.
Trung Quốc từng phát động chiến dịch thanh lọc nội dung mạng. Rất nhiều công ty ở nước này như Sina Corp, Tencent và Baidu từng bị phạt vì những vi phạm với mạng internet.
Đào Vũ