Trung Quốc ‘kết tội’ Philippines, Mỹ tìm cách đồn trú ở biển Đông

Trung Quốc ‘kết tội’ Philippines, Mỹ tìm cách đồn trú ở biển Đông

Thứ 4, 17/07/2013 13:29

Giữa lúc Philippines tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Trung Quốc vì những vụ tranh chấp lãnh thổ, giới hữu trách đang đặt một nền tảng cho một thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự với Mỹ.

Trung Quốc lại ‘kết tội’ Philippines trầm trọng tranh chấp

Philstar.com ngày 17/7 cho biết: Cuối ngày 16/7, bà Hoa Xuân Oánh - người người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên tiếng kết tội Philippines đã thay đổi thái độ và cách tiếp cận trong việc xử lý vấn đề tranh chấp các bãi cạn trên biển Đông trên cơ sở đồng thuận với Trung Quốc, đã phá vỡ cam kết trong DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông),  làm trầm trọng thêm tình hình.

Tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh nhằm đáp lại tuyên bố của người đồng cấp Philippines Raul Hernandez.

Bà Oánh nói rằng, giữa hai bên đã đạt được một số đồng thuật, thậm chí đồng ý hoạt động thăm dò địa chấn chung trên vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, phía Philippines đã quấy rối, đuổi ngư dân Trung Quốc ra khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham năm 2012.

Bà Hoa Xuân Oánh cũng bày tỏ việc lấy làm tiếc khi Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario mô tả Trung Quốc như một kẻ thù trong một cuộc họp mới đây của ASEAN tại Brunei.

Tiêu điểm - Trung Quốc ‘kết tội’ Philippines, Mỹ tìm cách đồn trú ở biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hai nước Hoa Xuân Oánh và Raul Hernandez

Người phát ngôn này còn cho rằng Philippines bóp méo sự thật, bôi nhọ Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh duy trì quan điểm rằng Philippines đã xâm lấn vào khu vực ven biển mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, Hoa Xuân Oánh nói rằng, Trung Quốc muốn tiếp tục đàm phán song phương  để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thay vì phải dùng đến trọng tài quốc tế.

Trước đó, trong tuyên bố hôm thứ hai tuần trước, ông Hernandez nêu ra 8 điểm để chứng minh nước này đã cố gắng bằng mọi cách để  giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Kể từ khi hai nước bắt đầu tham vấn song phương về biển Đông năm 1995 đến nay, hai bên đã qua 17 năm nhưng không có tiến bộ nào được thực hiện.

Cũng theo ông Hernadez, trong một công hàm gần đây, Trung Quốc đã thúc giục Philippines "để kiềm chế mọi hành vi xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc". Trong tất cả các cuộc đối thoại, Trung Quốc liên tục duy trì quan điểm cứng về tuyên bố chủ quyền "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông.

Tất cả các biện pháp tiếp cận ngoại giao, chính trị, pháp lý đều đã được áp dụng, kể cả đưa ra trọng tài quốc tế. Và biện pháp cuối cùng là Philippines khởi kiện ra tòa quốc tế theo Công ước về Luật biển 1982 (UNCLOS).

E ngại Trung Quốc dùng vũ lực

Theo các văn kiện mật của chính phủ Philippines được hãng tin Kyodo của Nhật trích dẫn ngày 14/7, Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực của ít nhất 2 hoặc 3 tàu hải giám và một tàu khu trục nhỏ trong vùng lân cận bãi cạn này để tuần tra giám sát và đánh bắt cá bất hợp pháp.

Philippines nói các hình ảnh thu được cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc hoạt động trong khu vực cùng các tàu đánh cá chất đầy những hải sản thu hoạch từ bãi cạn.

Văn kiện của chính phủ Philippines nói tất cả các hoạt động này đang được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các tàu nhà nước Trung Quốc.
Kể từ tháng 2, quân đội Philippines lưu ý có sự tăng cường của các tàu thực thi luật hàng hải của Trung Quốc cũng như các tàu hải quân của Bắc Kinh trong vùng xung quanh bãi cạn Second Thomas, cách bờ biển tỉnh Palawan của Philippines chừng 105 hải lý.

Vẫn theo nguồn tin này, hải quân Trung Quốc và các tàu của chính phủ Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực tranh chấp 24 lần kể từ năm 2010 đến 2012, tức tăng gần gấp ba lần so với giai đoạn từ 1995 đến 2009.

Văn kiện của chính phủ Philippines nói sự hiện diện gây hấn của Trung Quốc khiến Manila lên “một kế hoạch đối với với tình huống bất ngờ” vì e rằng Bắc Kinh có thể tiến tới việc dùng võ lực phong tỏa hay chiếm đoạt bãi cạn này.

Kế hoạch đối phó của Manila bao gồm việc nâng cấp khẩn các trang thiết bị quân sự, hải quân và không quân có thể tăng cường khả năng của quân đội Philippines trong vùng biển tranh chấp.

Trong một diễn  biến khác, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Cuisia nói các giới chức đang nghiên cứu lại các hiệp định an ninh sẵn có giữa Manila và Washington để có một ý kiến tốt hơn về việc quan hệ đối tác chia sẻ căn cứ có thể tiến hành như thế nào.

Mỹ trở lại đồn trú ở biển Đông bằng cách nào

Đại sứ Cuisia nói Philippines đang nghiên cứu Hiệp định về các lực lượng Viếng thăm, là hiệp định mà từ năm 2002 đã cho phép một đơn vị khoảng 500 binh sĩ của Mỹ luân phiên trú đóng tại khu vực xáo trộn trên đảo Mindanao, là nơi nhóm Abu Sayyaf có liên hệ với al-Qaida đang hoạt động.

“Tôi xin nhấn mạnh là bất cứ việc gì chúng tôi thỏa thuận cũng phải có lợi cho Philippines vì nếu không có lợi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không đồng ý. Thỏa thuận phải có lợi cho cả hai bên.”

Đại sứ Cuisia nói bất cứ việc dùng chung những căn cứ nào cũng sẽ phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp Philippines.

Tiêu điểm - Trung Quốc ‘kết tội’ Philippines, Mỹ tìm cách đồn trú ở biển Đông (Hình 2).

Căn cứ Xubic nơi Mỹ từng đồn trú

Hoa Kỳ có những căn cứ tại Philippines trong gần 100 năm cho đến khi những sự chống đối trong nước buộc căn cứ quân sự cuối cùng của Mỹ phải đóng cửa vào năm 1992.

Theo kế hoạch hiện nay, sẽ có thêm nhiều binh sĩ Mỹ lui tới các căn cứ của Philippines và các thiết bị quân sự Mỹ sẽ được bố trí để sẵn sàng được sử dụng tại những căn cứ như vậy. Một số trang thiết bị sẽ được chọn ra từ các khí tài được đưa khỏi Afghanistan cũng như Iraq.

Đại sứ Cuisia nói đề nghị sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Philippines nhằm thành lập một lực lượng “phòng vệ có thể tin cậy được ở mức tối thiểu” và giúp củng cố an ninh biển và nắm vững tình hình trên biển.

Philippines đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền của vùng lãnh thổ giàu tài nguyên thiên nhiên tại Biển Ðông. Gần đây nhất, những vụ tranh chấp chủ quyền về bãi cạn Scarborough và bãi cạn Second Thomas đã gây nên những căng thẳng mới. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền toàn phần vùng biển này, trong khi Philippines , Malaysia và Brunei đòi chủ quyền một phần mà thôi.

Tuy nhiên, đại sứ Cuisia nhấn mạnh là có sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ không có nghĩa là giải quyết được những mối đe dọa của bất cứ quốc gia cá biệt nào.

Tiêu điểm - Trung Quốc ‘kết tội’ Philippines, Mỹ tìm cách đồn trú ở biển Đông (Hình 3).

Cảng Xubic nơi Mỹ rút khỏi vào năm 1992

Ông Carl Baker, giám đốc chương trình của Diễn đàn Thái Bình Dương của trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington nói kế hoạch chia sẻ căn cứ sẽ giống như chương trình Lực lượng Đặc nhiệm Chung tại Mindanao.

“Tôi nghĩ đây là mô hình mà hai nước đang theo đuổi. Nhờ đó hai bên có thể đưa binh sĩ đến những căn cứ này trên căn bản thường xuyên nhưng không gọi đó là “căn cứ thường trực.”

Ông Baker nói bằng cách tiếp nhận lực lượng Mỹ, Philippines muốn chứng tỏ cho thế giới là Hoa Kỳ chuẩn bị thi hành những cam kết của Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa hai quốc gia. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn giữ vị thế trung lập đối với vụ tranh chấp lãnh thổ tại Biển Ðông cũng như tại các nơi khác. Ông Baker nói các giới chức Hoa Kỳ muốn tiếp cận các căn cứ dùng cho lực lượng không và hải quân tại Đông Nam Á.

Đại sứ Cuisia nói đề nghị vẫn còn đang trong tình trạng “thảo luận không chính thức” và nhiều bộ khác nhau đang chờ Tổng thống Benigno Aquino cho phép để tham gia những cuộc thảo luận chính thức.

Tổng thống Aquino đã cho thấy là ông tán thành kế hoạch này và đại sứ Cuisia xác nhận Philippines muốn có một hiệp định được ký kết trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino chấm dứt vào năm 2016.

Phong Dao (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.