Trước thềm chuyến thăm, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đăng tải một bài viết, tuyên bố rằng quan hệ với Nga vẫn vững chắc bất chấp các áp lực địa chính trị.
“Thế giới càng bất ổn thì quan hệ Trung-Nga càng phải tiến lên phía trước”, bài bình luận đăng trên Nhân dân Nhật báo hôm 19/3 cho biết.
Bài báo cho biết: Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là lựa chọn chiến lược lâu dài của cả hai nước. Nó là chìa khóa để Trung Quốc và Nga duy trì liên lạc cấp cao, lâu dài và tăng cường hợp tác chiến lược, để “bảo vệ lợi ích chung và duy trì ổn định địa chính trị”.
Quan hệ đối tác “không giới hạn”
Trung Quốc và Nga đã cam kết quan hệ hợp tác “không giới hạn” vào ngày 4/2 năm ngoái, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm với tư cách khách mời danh dự tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Chỉ vài tuần sau, Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Bài báo không đề cập đến Ukraine – nơi xung đột với Nga vẫn tiếp diễn từ tháng 2/2022. Nhưng Bắc Kinh đã công bố lập trường 12 điểm về Ukraine, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình.
Ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow vào ngày 20/3. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch thứ 3.
Tại Moscow, ông Tập sẽ có cuộc hội đàm chuyên sâu với ông Putin về “quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế và khu vực lớn, cùng vạch ra một kế hoạch chi tiết mới cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương và thúc đẩy tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác nhau”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 17/3.
Trong một bài viết cho một tờ báo Trung Quốc, được đăng trên trang web của Điện Kremlin vào cuối ngày 19/3, ông Putin cho biết, ông rất kỳ vọng vào chuyến thăm của “người bạn cũ” Tập Cận Bình, người mà ông đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn” vào năm ngoái.
Ông cũng hoan nghênh thiện chí hòa giải của Trung Quốc trong cuộc xung đột. Nhà lãnh đạo Nga nói: Chúng tôi biết ơn quan điểm cân bằng của Trung Quốc liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Ukraine, vì đã hiểu được hoàn cảnh và nguyên nhân thực sự của chúng. Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng”.
Vai trò mới trên trường quốc tế
Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh bất ngờ đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê-út sau 7 năm đóng băng.
Động thái ngoại giao này được coi là nhằm làm nổi bật vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế, thách thức vai trò lâu nay của Mỹ với tư cách là nhà trung gian hòa giải chủ chốt ở Trung Đông.
“Việc làm trung gian cho thỏa thuận (Ả Rập Xê-út-Iran) góp phần vào câu chuyện của chính phủ Trung Quốc về việc trở thành một bên tích cực tham gia thúc đẩy hòa bình và hợp tác toàn cầu”, Phó Giáo sư Audrye Wong của Đại học Nam California cho biết.
Nhưng việc dập tắt tiếng súng ở Ukraine sẽ “khó hơn một chút” so với thỏa thuận giữa Ả Rập Xê-út và Iran, Giáo sư Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh của Trung Quốc, cho biết, viện dẫn ảnh hưởng “hạn chế” của Trung Quốc đối với Moscow và sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh dành cho Kiev.
Đề xuất hòa bình của Trung Quốc đã bị các nước phương Tây bác bỏ phần lớn do Bắc Kinh tiếp tục không lên án chiến dịch của Nga.
Giáo sư Elizabeth Wishnick, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Bang Montclair ở Mỹ, cho biết Ukraine “không có khả năng chấp nhận Trung Quốc làm trung gian hòa giải vì nước này không được coi là trung lập hoặc không thiên vị”.
Thực tế, Ukraine đã thận trọng hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc, nhưng nói rằng bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ bao gồm yêu cầu Nga rút quân khỏi tất cả các lãnh thổ mà nước này đang nắm giữ, kể cả cả Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào năm 2014.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết, Nga nhận thấy “hiện tại không có điều kiện tiên quyết nào” để cuộc xung đột thay đổi chiến thuật và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự.
“Ông Tập Cận Bình có thể muốn đạt được những thành công ngoại giao, nhưng tôi không thấy điều đó trong trường hợp của Nga-Ukraine. Không bên nào sẵn sàng từ bỏ hy vọng giành được lãnh thổ trên chiến trường”, Giáo sư Wishnick cho biết.
Minh Đức (Theo SCMP, Reuters, AFP/Straits Times)