Donald Trump có thể đã giành chiến thắng tại đất nước của mình, nhưng trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc với nhau, khẩu hiệu chiến dịch "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" đã trở thành sự đối đầu trực tiếp với câu khẩu hiệu nổi tiếng của Trung Quốc, làm hồi sinh lại dân tộc Trung Quốc và "giấc mộng Trung Hoa".
Ngay tại thời điểm ông Trump có bài diễn văn mừng thắng lợi, không phải ngẫu nhiên các kênh truyền hình Trung Quốc phát sóng liên tục chương trình về sứ mệnh chinh phục không gian và sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về kết quả bầu cử Mỹ với các phi hành gia thông qua đường truyền vệ tinh.
Thật khó để thoát khỏi cảm giác rằng khoảnh khắc của ông Tập Cận Bình rất giống với thời điểm cựu Tổng thống Mỹ John F Kennedy nói một câu nói nổi tiếng: "Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng". Nó giống như một thông điệp nhằm nhắc nhở công chúng rằng dù có bất kỳ điều gì xảy ra trên thế giới, người ta vẫn phải chú ý đến vấn đề Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Có lẽ ở một góc nào đó riêng tư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang ăn mừng với thắng lợi từ cuộc bầu cử Mỹ, Carrie Gracie, bình luận viên kỳ cựu tờ BBC nêu quan điểm.
Bà cho rằng, tại đất nước mà người dân không thể nói về về điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống, thì Mỹ, giống như một hình mẫu về văn hóa và chính trị luôn được liên tưởng, so sánh.
Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu về giấc mơ Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là sự phản ảnh từ giấc mơ Mỹ. Với một cường quốc đang trỗi dậy như họ, Mỹ chính là đối thủ chính cần phải đánh bại.
Trong những năm gần đây, các nhà bình luận Trung Quốc thường nói cuộc chiến của người Mỹ ở Afghanistan và Iraq làm đã làm tổn thương đến niềm tin của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh khó có thể tin cậy vào Washington trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị của thế giới. Và đến khi cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 xảy ra, Trung Quốc đã hoàn toàn không còn tin vào Mỹ trong vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế toàn cầu.
Trong thời điểm hiện tại, với cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc tràn ngập những công kích thóa mạ cá nhân, cũng như dính vào nhiều vụ bê bối, Trung Quốc thậm chí còn không tin rằng Mỹ có thể giải quyết vấn đề của chính đất nước họ.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất thận trọng trong việc tránh đưa ra những bình luận trực tiếp đến các ứng cử viên hoặc về chiến dịch tranh cử, truyền thông nhà nước vẫn được tự do đưa tin về sự chia rẽ và những vấn đề tranh cãi "khó nghe" giữa hai ứng viên trong cuộc đua ở Mỹ.
Tổng thống mới được bầu cũng nhắc lại nhiều lần nhận định của Bắc Kinh khi cho rằng hệ thống bầu cử Mỹ có gian lận và bị lũng đoạn bởi giới tài phiệt.
Tuy nhiên, trên thực tế, cái nhìn của công chúng về tân tổng thống Mỹ lại khá lẫn lộn.
Rất nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ ông Trump trên tư cách một doanh nhân, một người thẳng thắn và là kẻ ngoại đạo về chính trị. Nếu trong bốn năm tới, ông Trump có thể "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", thì hệ thống chính trị của Mỹ có thể lấy lại được một chút sự tin cậy đối với họ.
Nhưng nếu giới lãnh đạo đứng sau "giấc mộng Trung Hoa" làm người dân Trung Quốc thịnh vượng hơn, đưa tên lửa lên sao Hỏa và kiểm soát toàn châu Á, thì ngày 09/11/2016 sẽ là ngày mà Trung Quốc để "giấc mơ Mỹ" tụt lại đằng sau mãi mãi.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cần phải thừa nhận rằng Donald Trump đã trở thành tổng thống và không thành tích trong bất cứ lĩnh vực nào được ghi nhận, không có đội ngũ cố vấn nổi tiếng và không có một chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc. Điều này dẫn đến một sự mơ hồ trong việc ứng phó.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng nói Mỹ có thể làm bạn với Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói rằng: "Họ đến đây, họ lấy việc làm của chúng ta và tích lũy được khá lớn. Chúng ta phải sống cùng với kẻ cướp việc làm lớn nhất trong lịch sử thế giới".
Đôi khi Trump lại cho thấy ông đã tìm cho mình một con đường trung hòa hơn khi khéo léo tránh làm mất lòng Bắc Kinh.
"Tôi đã thực hiện nhiều giao dịch lớn với Trung Quốc. Trung Quốc rất tuyệt vời. Tôi không bực bội với Trung Quốc, mà tôi giận dữ với những người đã để mặc cho chuyện đó xảy ra. Trung Quốc rất tuyệt, nhưng họ đã thoát tội 'sát nhân'".
Một phần trong lời hứa "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của mình, Trump thường nói rằng Mỹ phải "chiến thắng" trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Nhưng hơn bốn thập kỷ qua, những lãnh đạo của Trung Quốc đã hiểu ra rằng không nên tin tưởng vào những hứa hẹn được nói ra trong các chiến dịch tranh cử ở Mỹ.
Họ theo dõi bao đời tổng thống Mỹ đến rồi đi, đưa ra những chính sách khốc liệt với Trung Quốc khi vận động tranh cử, để rồi sau đó lại lặng lẽ trở về sự hợp tác vốn có chỉ sau vài tháng lên nắm quyền.
Vào thời điểm khi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trên đà giảm sút, tiếp cận vào thị trường Mỹ là điều rất quan trọng, khi đó, chính phủ Trung Quốc sẽ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ của Donald Trump.
Mặc dù vậy, các nhà đàm phán về thương mại tự do vẫn còn nhiều tháng để tìm hiểu về động thái của ông Trump về thuế quan, cơ hội tiếp cận thị trường và tỷ giá hối đoái.
Bắc Kinh sẽ cần tiếp cận với nhiều chuyên gia gốc châu Á trong đảng Cộng Hòa, những người không đồng tình với việc Donald Trump làm tổng thống. Đến lúc ấy, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng đối đầu với cuộc chơi về kinh tế nếu phía Trump thực sự muốn khởi động.
Ngoài ra, tính toán thương mại chính là cuộc chơi có thể giúp ông Trump giành một số thắng lợi, nhưng ngược lại nó sẽ làm mất đi một số ưu thế về địa chính trị ở châu Á.
Ở điểm này, ông Trump chính là cơ hội lớn cho Trung Quốc.
Khi tranh cử, tân tổng thống tỏ ra lạnh nhạt với những cam kết hiện diện ở châu Á nhằm so kè với Trung Quốc. Ông phản đối sử dụng chiêu bài kinh tế làm nòng cốt trong chính sách xoay trục châu Á của chính phủ Tổng thống Obama.
Trong khi về về mặt quân sự, ông Trump từng tuyên bố rằng những đồng minh lâu đời của Mỹ như Nhật và Hàn Quốc phải trả tiền để đổi lại sự duy trì của quân đội Mỹ tại đây.
Giới quan sát khu vực cảnh báo rằng sự gia tăng của chủ nghĩa cô lập hoặc chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, hoặc bất kỳ sự trao đổi nào yếu thế hơn so với Bắc Kinh, sẽ làm Đài Loan và Biển Đông trở nên tổn thương. Nó cũng làm giảm đi vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á trong thời điểm cả Philippines, Malaysia và Thái Lan đều tỏ ra hoài nghi về đồng minh chiến lược mà họ đang đặt niềm tin vào.
Những nhà nghiên cứu địa-chiến lược của Trung Quốc đang hy vọng nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ "vô tình" giúp Trung Quốc làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ, đẩy mạnh tham vọng của Bắc Kinh, cũng như vẽ lại bản đồ châu Á.
Tuy nhiên điều này sẽ còn phải đợi câu trả lời từ Trump. Bởi, cũng giống như tâm thế mà Trung Quốc vẫn định hình mỗi khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, đôi khi một ứng viên tổng thống "nói" trong chiến dịch tranh cử không đồng nghĩa với việc sẽ "làm" sau đó ở Nhà Trắng
Quốc Vinh