Cơ quan quản lý trò chơi của Trung Quốc mới đây đã cấp giấy phép xuất bản cho 60 trò chơi. Động thái mới có thể giúp thúc đẩy lĩnh vực trò chơi điện tử vốn chịu thiệt hại từ cuộc đàn áp quy định của giới chức Trung Quốc, trước đó nước này đã ngừng việc phê duyệt trò chơi trong một thời gian dài.
Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc (NPPA) đã công bố danh sách phát hành tháng 6 trên trang web chính thức, bao gồm các trò chơi điện tử thuộc các nhà phát triển như Perfect World (002624.SZ) và Mihoyo.
Các trò chơi khác chủ yếu bao gồm các trò có kinh phí nhỏ hơn như Jurassic Army của Shanghai Eyugame và Kittens Courtyard của Beijing Object Online Technology. Đáng chú ý, danh sách mới đã không bao gồm các trò chơi thuộc về những công ty hàng đầu trong ngành như Tencent (0700.HK) và NetEase (9999.HK). Nó cũng không bao gồm bất kỳ trò chơi nước ngoài nào.
Danh sách tháng 6 được phê duyệt sau hơn một tháng kể từ lần cấp phép gần nhất công bố vào ngày 30/4. Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc đã không công bố danh sách của tháng 5 mà không giải thích nguyên nhân.
Các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Citi viết trong một ghi chú gửi đến nhà đầu tư: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các studio lâu đời như Perfect World, Shengqu Games, MiHoYo và Changyou được phê duyệt lần này. Chúng tôi tin rằng các trò chơi của Tencent và NetEase sẽ có khả năng được phê duyệt cao hơn trong các đợt tới. Thông báo phê duyệt cũng cho thấy tín hiệu tích cực về việc hỗ trợ chính sách đối với lĩnh vực Internet nói chung của Trung Quốc".
Trước tháng 4/2022, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã ngừng phê duyệt giấy phép kiếm tiền từ trò chơi điện tử kéo dài suốt gần 8 tháng liền. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến những hãng lớn như Tencent và NetEase vốn đã phải đối mặt với khó khăn do các quy định từ chống độc quyền đến bảo vệ dữ liệu, đồng thời khiến hàng nghìn công ty trong ngành phải ngừng kinh doanh.
Việc dừng phê duyệt giấy phép diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt giới hạn thời gian chơi điện tử đối với người dưới 18 tuổi hồi tháng 8/2021. Một biện pháp can thiệp được cho là cần thiết để giải quyết "cơn nghiện" ngày càng tăng đối với trò chơi điện tử mà phương tiện truyền thông nhà nước gọi là "thuốc phiện tinh thần".
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Bnn Bloomberg)