Trong phát ngôn đầu tiên của mình sau cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết cuộc gọi của bà không nên hiểu là Mỹ đã có sự xoay chuyển về mặt chính sách, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai bên đều nhận ra giá trị của việc duy trì sự ổn định trong khu vực.
"Tất nhiên tôi phải nhấn mạnh rằng một cuộc điện thoại không đồng nghĩa với một sự thay đổi chính sách", bà Thái Anh Văn nói với các phóng viên Mỹ tại Đài Bắc. "Đây chỉ là cách để chúng tôi thể hiện sự tôn trọng của mình đối với cuộc bầu cử Mỹ cũng như chúc mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump".
Cuộc điện đàm giữa hai chính khách đã phá vỡ tiền lệ ngoại giao kéo dài gần 4 thập kỷ, khiến một số nhà bình luận lo ngại rằng nó có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu nguy hiểm với Bắc Kinh.
Các nguồn tin trong đội ngũ của Trump cho biết cuộc gọi đã được lên kế hoạch từ nhiều tuần trước. Phó tổng thống đắc cử Mike Pence mô tả đây là một cuộc gọi "lịch sự" không mang hàm ý có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ trong quan hệ hai bờ eo biển.
Trước đó Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi đây là một "chiêu trò nhỏ" của Đài Loan, trong khi tờ báo dân tộc chủ nghĩa Thời báo Hoàn cầu kêu gọi Bắc Kinh nên tiếp tục nói chuyện với Trump nhưng trừng phạt Đài Loan.
Michael Cole, chuyên gia từ Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham, đã viết rằng điều này có thể bao gồm nỗ lực gây sức ép về ngoại giao cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc diễn tập quân sự thường xuyên nhằm vào Đài Loan.
"Nếu điều đó xảy ra, cũng với những tác động gây nên sự thay đổi trong quan hệ hai bờ eo biển, Đài Loan sẽ thấy được họ có một đồng minh Washington như thế nào", Michael Cole nhận định trên The National Interest.
Stephen Yates, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền George W. Bush, nói rằng cuộc điện đàm là sự thể hiện tình hữu nghị lâu dài giữa người dân Đài Loan và đảng Cộng hòa, đây là là một bước tiến quan trọng đi theo hướng mà đảng này vẫn chủ trương.
Bà Thái Anh Văn dự kiến sẽ đến thăm ba nước đồng minh ngoại giao ở Trung Mỹ vào tháng tới, mà theo các phương tiện truyền thông cho biết đây có thể là dịp cho bà gặp gỡ nhóm cố vấn của ông Trump.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia đã nói chuyện với các quan chức ở Bắc Kinh hai lần vào cuối tuần vừa qua để trấn an họ về các cam kết của Mỹ đối với chính sách "Một nhà nước Trung Quốc".
Tuy nhiên ông Wu Xinbo, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan nhận định, Bắc Kinh sẽ không dựa vào sự đảm bảo này từ các quan chức chính quyền Obama mà theo đó họ yêu cầu một giải pháp an toàn hơn như có một kênh thông tin liên lạc trực tiếp với đội ngũ của ông Trump.
"Theo như tôi biết, đại sứ của chúng tôi tại Mỹ đã liên lạc với nhóm cố vấn của ông ấy", Wu nói. "Nhưng hai bên đã không thành lập một kênh thông tin liên lạc thường xuyên ngay từ ban đầu".
Wu cho biết Trung Quốc sẽ cần phải đẩy mạnh việc mở một đường dây liên lạc với cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng của Trump một khi ông nhậm chức chính thức vào tháng 1 năm sau.
Tờ Thời báo Hoàn cầu trong một bài xã luận ngay sau đó cũng gọi động thái của Donald Trump chỉ là vỏ bọc cho ý định thực sự và mô tả "Trung Quốc chỉ là một con cừu béo cho Trump xẻo từng miếng thịt".
Tờ báo này thận trọng khi nói rằng Trung Quốc nên sẳn sàng cho những biến động trong quan hệ Trung-Mỹ sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. "Chúng tôi phải đối mặt với hành động khiêu khích đầu tiên đến từ Trump, và chắc chắn ông ấy sẽ không để Trung Quốc là người dẫn trước trong thời gian đầu nhiệm kỳ tổng thống".
Quốc Vinh