Trung Quốc đang phải trả giá vì xem nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường
Theo hãng tin BBC, rất nhiều năm qua, các tổ chức bảo vệ môi trường đã khẳng định tỷ lệ mắc ung thư tại một số làng gần các nhà máy và nguồn nước bị ô nhiễm đã tăng mạnh.
Tuy nhiên thuật ngữ “làng ung thư” vẫn được định nghĩa rõ ràng về mặt kỹ thuật và bản báo cáo của Bộ Môi trường Trung Quốc mới nhất dù đề cập cũng không diễn giải về thuật ngữ này.
Đã có rất nhiều ý kiến kêu gọi Bắc Kinh cần phải minh bạch hơn đối với vấn đề ô nhiễm.
Trong bản báo cáo có tiêu đề “Phòng ngừa và kiểm soát rủi ro của hóa chất đối với môi trường trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015)”, Bộ này cho rằng ở Trung Quốc vẫn còn sản xuất và sử dụng tràn lan các hóa chất độc hại, vốn đã bị cấm ở nhiều quốc gia phát triển.
“Các hóa chất độc hại đã gây ra nhiều tình huống khẩn cấp đối với môi trường như ô nhiễm nước và không khí”. Bản báo cáo cũng thừa nhận rằng các loại hóa chất này có thể trở thành nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe con người, một sự liên hệ trực tiếp tới cái gọi là “những làng ung thư”.
“Hiện đã có nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và xã hội như sự xuất hiện của những làng ung thư ở một số vùng”, bản báo cáo viết.
Vẫn theo BBC, trong khi Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, thì những câu chuyện về làng ung thư ngày càng trở nên phổ biến. Cùng lúc đó, sự giận dữ của người dân đối với nạn ô nhiễm và rác thải công nghiệp cũng tăng cao.
Trên các phương tiện truyền thông, ngày càng nhiều “làng ung thư” được đề cập. Năm 2009, một phóng viên nước này còn lập một bản đồ chỉ ra hàng chục ngôi làng bị ảnh hưởng.
Năm 2007, phóng viên BBC từng tới thăm một xã nhỏ có tên Shangba của tỉnh Quảng Đông, nơi các nhà khoa học nghiên cứu về nguyên nhân và tác động của ô nhiễm tới làng này. Kết quả cho thấy có rất nhiều kim loại nặng độc hại trong nguồn nước của làng và đây được cho là mối liên hệ trực tiếp giữa sự gia tăng các ca ung thư và hoạt động khai mỏ trong vùng.
Theo BBC