Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây cho biết đã ký một thỏa thuận cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) để thiết lập Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ (RMBLA).
Thỏa thuận tài chính mới nhằm mục đích tạo ra quỹ dự trữ bằng đồng Nhân dân tệ, cung cấp hỗ trợ thanh khoản để các ngân hàng trung ương tham gia có thể sử dụng trong những thời kỳ thị trường biến động.
Những cơ quan tiền tệ tham gia khác tham gia vào thỏa thuận ban đầu gồm có Ngân hàng Indonesia, Ngân hàng Negara Malaysia, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, Cơ quan Tiền tệ Singapore và Ngân hàng Trung ương Chile.
Mỗi ngân hàng trung ương tham gia sẽ đóng góp tối thiểu 15 tỷ NDT hoặc số tiền tương đương bằng USD để tạo ra quỹ dự trữ. Khi cần thanh khoản, các ngân hàng trung ương tham gia sẽ không chỉ được rút bớt các khoản đóng góp của họ mà còn có thể tiếp cận với nguồn vốn bổ sung thông qua một cửa thanh khoản được đảm bảo.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tích cực tham gia vào việc thiết lập Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ, theo website chính thức của ngân hàng này cho biết. Việc Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận mới sẽ giúp tăng cường sự hợp tác với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đáp ứng nhu cầu hợp lý về đồng Nhân dân tệ và đóng góp tích cực vào việc củng cố mạng lưới an toàn tài chính khu vực.
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ (RMBLA) đánh dấu bước đi mới nhất của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng tiền nước này, đặt ra các thách thức cho hệ thống tài chính toàn cầu vốn bị thống trị bởi đồng đô la Mỹ.
Trong tháng này, Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng phạm vi sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY). Theo đó, nước này cho phép người tiêu dùng sử dụng e-CNY cho nhiều mục đích hơn, chẳng hạn các khoản vay ngân hàng cũng như mua những sản phẩm quản lý tài sản (WMP).
Mặc dù e-CNY vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng Trung Quốc đã dần ở rộng phạm vi thử nghiệm kể từ khi ra mắt đồng tiền này vào năm 2020. Chính phủ Trung Quốc đã giới thiệu e-CNY, trong bối cảnh Bắc Kinh đàn áp bitcoin và các loại tiền điện tử khác, thay vào đó tìm cách cung cấp một giải pháp thay thế kỹ thuật số do chính phủ kiểm soát.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuter)