Bắc Kinh hôm 23/3 mô tả Nga là một "thành viên quan trọng" của G20 sau khi Washington đặt vấn đề loại trừ Moscow khỏi Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).
Bắc Kinh đã có động thái bênh vực ngoại giao dành cho Moscow trong bối cảnh nước Nga ngày càng bị cô lập quốc tế và nền kinh tế Nga hứng chịu nhiều đòn trừng phạt theo sau cuộc xung đột vũ trang giữa nước này và nước láng giềng Ukraine.
"G20 là diễn đàn chính cho hợp tác kinh tế quốc tế", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin (Uông Văn Bân) nói với các phóng viên. "Nga là một thành viên quan trọng, và không thành viên nào có quyền trục xuất thành viên khác".
Lãnh đạo 2 nước đã tuyên bố quan hệ "không giới hạn" sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh nhân dịp Thế vận hội mùa đông.
Bình luận của đại diện Trung Quốc được đưa ra sau khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đưa ra dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ dẫn đầu việc tạo áp lực nhằm loại Nga khỏi các diễn đàn quốc tế do cuộc đụng độ quân sự của nước này ở Ukraine.
"Chúng tôi cho rằng Nga không thể hoạt động như bình thường trong các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế", ông Sullivan nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 22/3.
Mỹ có kế hoạch tham khảo ý kiến của các đồng minh trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khác, ông Sullivan cho biết.
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực loại trừ Nga nào cũng có thể bị các thành viên khác trong nhóm phủ quyết, làm dấy lên triển vọng một số nước sẽ bỏ qua các hội nghị G20, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết.
Ba Lan hôm 22/3 cho biết, họ đã đề nghị với các quan chức thương mại Mỹ để họ thay thế Nga trong G20 và đề xuất đó đã nhận được "phản ứng tích cực".
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Nga tại Indonesia hôm 23/3 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào cuối năm nay.
Bà Lyudmila Vorobieva, Đại sứ Nga tại Indonesia, nước hiện giữ ghế Chủ tịch luân phiên G20, cho biết ông Putin dự định tới đảo Bali để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.
Khi được hỏi về ý định loại Nga khỏi G20 của phương Tây, bà cho biết đây là một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề kinh tế chứ không phải các cuộc khủng hoảng như Ukraine.
"Tất nhiên việc gạt Nga khỏi những diễn đàn như thế này sẽ không giúp giải quyết các vấn đề kinh tế. Ngược lại, nếu không có Nga thì rất khó để giải quyết những điều đó".
Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối bình luận về lời kêu gọi loại Nga khỏi G20.
Moscow đang phải đối mặt với hàng loạt các lệnh trừng phạt quốc tế do các quốc gia phương Tây dẫn đầu nhằm cô lập nền kinh tế Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu, bao gồm việc loại Nga khỏi hệ thống nhắn tin ngân hàng toàn cầu SWIFT và hạn chế các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Nga.
Minh Đức (Theo NDTV, Reuters)