Giá sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng 4, giá tiêu dùng cũng đã gia tăng trở lại. Các đợt bùng phát Covid-19 và những biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh đã khiến chi phí thực phẩm và nhiên liệu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cao hơn.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 8% so với một năm trước đó, thấp hơn một chút so với mức tăng 8,3% vào tháng 3 nhưng cao hơn ước tính trung bình 7,8% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg thực hiện trên các nhà kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc đã tăng từ 1,5% trong tháng 3 lên 2,1% vào tháng 4, vượt quá dự báo 1,8%.
Chi phí cao đã gây sức ép đối với lợi nhuận của các nhà sản xuất. Các đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng kéo theo sự áp đặt những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh đã gián tiếp làm tăng thêm chi phí hoạt động, khiến các nhà máy đối mặt với khó khăn hơn để duy trì sản xuất, thu mua nguyên liệu thô và vận chuyển thành phẩm.
Chuyên gia thống kê cấp cao Dong Lijuan tại Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) nhận định lạm phát tiêu dùng gia tăng là do dịch bệnh bùng phát và giá hàng hóa toàn cầu cao hơn.
Ông Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint, cho biết: “Việc mua hàng và tích trữ ồ ạt của người tiêu dùng có thể cũng đã đẩy nhu cầu lên cao. Khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng dần được giải quyết, áp lực lạm phát có thể sẽ mất”.
Thực phẩm tại Trung Quốc đã trở nên đắt hơn vào tháng 4 trong bối cảnh một số khu vực bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Dữ liệu NBS cho thấy giá rau sạch tháng 4 đã tăng 24% so với một năm trước, vượt quá mức tăng 17,2% tháng 3. Trong khi đó, giá thịt lợn tiếp tục lao dốc 33,3%. Chi phí nhiên liệu tăng 28% cũng góp phần thúc đẩy giá tiêu dùng, giá nhiên liệu xe cộ tăng nhanh nhất so với bất kỳ mặt hàng nào trong rổ tính CPI. Chỉ số CPI lõi, đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ bay hơi, đã tăng 0,9%, so với mức tăng 1,1% của tháng 3.
Theo các nhà kinh tế tại Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, việc đóng cửa ở Thượng Hải có nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và mối quan ngại về lạm phát. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tại Thượng Hải đã sụt giảm trong tháng 4 và đầu tháng 5, dẫn đến hàng hóa bị tồn đọng tại cảng.
Các nhà kinh tế của Fitch viết: “Với việc cảng Thượng Hải xử lý khoảng 1/5 tổng lượng hàng hóa của Trung Quốc và Trung Quốc chiếm tới 15% xuất khẩu hàng hóa thế giới, tình trạng thiếu hụt hàng sản xuất có thể gia tăng và gây thêm sức ép cho lạm phát toàn cầu hiện tại”; “Điều này có khả năng làm chậm tăng trưởng hơn ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến lạm phát thế giới do sự suy yếu của nhu cầu hàng hóa và giá cả”.
Quyết định theo đuổi chiến lược Zero Covid của Trung Quốc đã khiến một số nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022 thấp hơn so với mục tiêu nước này đề ra là khoảng 5,5%. Thủ đô Bắc Kinh, trung tâm thương mại điện tử Hàng Châu và thành phố nổi tiếng với việc bán buôn đồ trang trí Giáng sinh Nghĩa Ô đều đã bị áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn vi-rút.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CNBC)