Đối phó dịch tả lợn Châu Phi, Trung Quốc ưu ái thủy hải sản Việt
Theo báo Thanh Niên, Trung Quốc vừa chính thức thông báo với cơ quan chức năng Việt Nam về danh sách 33 mặt hàng thủy hải sản được miễn thuế khi nhập khẩu vào nước này.
Việc Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam được cho là để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm protein thay thế cho thịt heo do nguồn cung thịt heo của Trung Quốc đang bị sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, trong khi đó nguồn thịt nhập cũng có vấn đề vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Đây chính là động thái để nước này chuẩn bị ứng phó với nhu cầu thị trường sắp tới.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Trung Quốc thịt heo chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên hiện dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại đây đã gây thiệt hại gần 1/5 tổng đàn và tình hình vẫn chưa được kiểm soát.
Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam, nhưng từ đầu năm đến nay xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm đến 8,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 268 triệu USD.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định Trung Quốc đang chuẩn bị ứng phó với nguồn cung thịt heo đang khan hiếm và một phần là tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Với cục diện hiện tại, không chỉ thủy sản mà sắp tới Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cafatex (Cần Thơ), trước nay thương nhân Trung Quốc vẫn có thói quen buôn bán biên mậu. Thời gian gần đây Trung Quốc tăng cường làm ăn chính ngạch. Trước đây mức thuế trung bình cho hàng hóa Việt Nam nhập vào Trung Quốc là 5-7%, nay được miễn hoàn toàn sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam tăng sức cạnh tranh.
Nói về thị trường xuất khẩu thủy sản Việt tại Trung Quốc, báo Công Thương thông tin, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2019, Việt Nam xuất khẩu 466,1 triệu USD sản phẩm cá tra, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với 107 triệu USD. Châu Âu đứng thứ 2 với con số tăng trưởng 62,5% so với cùng kỳ, trong khi Mỹ lùi lại vị trí thứ 3.
Sang tháng 4, Việt Nam xuất khẩu 143,8 triệu USD các sản phẩm cá tra, giảm 18,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 42,9 triệu USD, giảm nhẹ 5,9% về giá trị so với tháng 4/2018, chủ yếu do mặt bằng chung giá bán cá tra giảm. Theo sau là thị trường châu Âu, ASEAN.
Ai được lợi nhất?
VASEP thông tin thêm, hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa, gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản.
Với việc Trung Quốc nới lỏng chính sách nhập khẩu, thủy, hải sản Việt Nam đang rộng đường tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn, với giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam lên đến trên 1 tỷ USD/năm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, ngay từ đầu năm, VASEP đã đặt mục tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 1,5 tỷ USD. Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở vì nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân nước này đang tăng lên.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Đầu tư Chứng khoán nhận định, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và ASEAN là các thị trường xuất khẩu lớn của cá tra Việt Nam, do vậy, mọi chính sách liên quan đến nhập khẩu của thị trường này đều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành.
Việc Chính phủ Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm cá tra Việt Nam có mức giá cạnh tranh hơn, qua đó, giúp các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu sang thị trường này. Ghi nhận tại một số doanh nghiệp niêm yết trong ngành, mức thuế trung bình áp lên hàng cá tra xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là khoảng 10% (tùy loại sản phẩm như cắt khúc, file…).
Giờ đây thuế suất xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc từ mức trung bình 10% về 0%, dĩ nhiên sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp thủy sản đang xuất khẩu vào thị trường này. Ngay sau thông tin phát ra, phiên giao dịch 23/5, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn), ANV (công ty CP nam Việt), IDI (CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I)… nhanh chóng bật xanh, thậm chí tăng trần như ANV.
Đặc biệt, Thủy sản Vĩnh Hoàn có thị trường chính là Mỹ, đóng góp khoảng 60% doanh thu trong vài năm qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, từ mức 2% năm 2014 tăng lên 18% năm 2018.
Quý I vừa qua, VHC tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu 1.789 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế hơn 307 tỷ đồng, tăng hơn 212%. Biên lợi nhuận gộp cao, ở mức hơn 23,5%, một phần nhờ giá bán (chủ yếu ở thị trường Mỹ) vẫn neo ở giá cao, trong khi thị trường Trung Quốc gần như điều chỉnh ngay theo giá đầu vào giảm.
Ðối với ANV, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của Công ty, sau ASEAN và EU. Hiện ANV đang triển khai dự án vùng nuôi cá tra công nghệ cao Bình Phú, quy mô lên đến 600 ha. Mục tiêu của ANV là tự chủ 100% nguồn cá thịt nguyên liệu vào năm 2020 (năm 2019 là 70%) để kiểm soát chất lượng đầu vào.
IDI có một năm 2018 tăng trưởng cao nhất ngành. Sản phẩm của Công ty cũng khá đa dạng, ngoài cá tra là chủ lực chiếm hơn 53% doanh thu, IDI còn có sản phẩm bột cá, mỡ cá, thức ăn chăn nuôi. IDI cũng được ghi nhận là doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu cá tra lớn vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thông tin tích cực bước đầu và giá cổ phiếu các doanh nghiệp phản ánh ngắn hạn, bởi theo ghi nhận của Báo Ðầu tư Chứng khoán tại một số doanh nghiệp, mức độ bền vững của việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan của Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.
H.Y (tổng hợp)