Theo Ủy ban về Thuật ngữ của Bộ Khoa học và Công nghệ Quốc gia, ‘thành phố ma’ là một thành phố bị bỏ rơi với nguồn tài nguyên cạn kiệt. Tuy nhiên, định nghĩa này đã được mở rộng ra và dùng để chỉ bất kỳ thành phố nào có tỷ lệ cao các tòa nhà không có người ở, có ít người sinh sống và vào buổi tối thì hầu hết các nhà đều không có người lên đèn.
Theo thời báo hàng tuần Time Weekly của Quảng Châu, khi Trung Quốc khuyến khích người dân từ các khu nông thôn ra các trung tâm thành thị, chính quyền ở các địa phương và các công ty xây dựng đã gấp rút xây dựng các khu đô thị mới, tạo ra những bong bóng tài sản nghiêm trọng và dẫn đến cái được gọi là ‘thành phố ma’.
Kangbashi ở Nội Mông có nhiều tòa nhà mới nhưng có rất ít người sinh sống.
Trong số 12 thành phố ma mới, có 4 thành phố ở Nội Mông, bao gồm cả Kangbashi, một dự án khu đô thị mới lớn tại Ordos, thành phố giàu tài nguyên than đá.
3 ‘thành phố ma’ ở Hà Nam, bao gồm Trịnh Châu, được thiết kế đặc biệt, kết hợp văn hóa truyền thống với môi trường tự nhiên. Ở Giang Tô có 2 thành phố ma là Thường Châu, quận Dantu của Trấn Giang. Tỉnh Liêu Ninh có ‘thành phố ma’ Dinh Khẩu ở phía đông bắc.
Thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2012, dân số đô thị của Trung Quốc đã đạt 712 triệu người, chiếm 52,57% tổng số dân của nước này. Tuy nhiên, nếu đô thị hóa chỉ đơn giản là tập trung vào mặt dân số thì sẽ tạo ra một loạt các vấn đề kinh tế và xã hội. Theo Time Weekly Quảng Châu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách giải quyết vấn đề này và nhấn mạnh rằng việc nâng cấp chất lượng đô thị hóa là rất quan trọng và cấp bách.
Theo Bưu Điện Việt Nam