Vào lúc 6h sáng 23/6 (giờ địa phương), Đài Khí tượng Bắc Kinh đã lần đầu tiên phát đi cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ trong năm nay, mức nghiêm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo 3 cấp theo màu gồm vàng, cam và đỏ dành riêng cho thời tiết nhiệt độ cao.
Trước đó, cơ quan này từng ban bố cảnh báo nhiệt độ cao màu vàng vào lúc 17h chiều 20/6 và nâng lên màu cam vào lúc 9h sáng 22/6. Theo dự báo của cơ quan khí tượng, nắng nóng ở Bắc Kinh sẽ tiếp tục kéo dài từ 23-25/6, với nhiệt độ cao nhất ở hầu hết các khu vực lên tới 37 - 40℃.
Chiều 22/6, tờ Nhật báo Bắc Kinh cho biết, trạm quan sát thời tiết ở ngoại ô phía Nam, nơi được coi là thước đo chính nền nhiệt của Bắc Kinh, đã ghi nhận mức nhiệt 41,1℃ vào lúc 3h19 chiều, phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất trong tháng 6 kể từ khi có số liệu quan trắc tại đây. Mức cao nhất tháng 6 trước đó được ghi lại vào ngày 10/6/1961, khi nhiệt độ đạt 40,6℃.
Mức nhiệt cao nhất trong ngày 22/6 là mức nhiệt cao thứ hai trong lịch sử Tp. Bắc Kinh, thấp hơn mức nhiệt 41,9 độ C vào ngày 24/7/1999.
Không chỉ Bắc Kinh, nhiều khu vực ở miền Bắc và Đông Trung Quốc cũng ghi nhận mức nhiệt chưa từng có.
Đài Khí tượng tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc đã phải nâng cảnh báo nhiệt độ cao từ màu cam lên màu đỏ vào lúc 16h ngày 22/6, do phần lớn các khu vực trong tỉnh có nhiệt độ khoảng 39℃, trong đó 26 quận, huyện trên 40℃.
Dự báo của cơ quan khí tượng địa phương cho biết, nhiệt độ cao nhất trong đất liền ở Sơn Đông trong ngày 23/6 phổ biến ở mức 38-42°C, có nơi trên 43°C, đạt hoặc vượt mức cao nhất trong lịch sử cùng thời kỳ. Đây cũng là dự báo chung cho nhiều nơi ở miền Bắc Trung Quốc, như tỉnh Hà Bắc.
Theo số liệu của Cục Khí tượng Trung Quốc, trong khi 2.130 trạm khí tượng đo được mưa lớn, thì 2.830 trạm khác trên cả nước này có nhiệt độ tối đa trong 24 giờ qua trên 40°C, hầu hết tập trung ở miền Bắc và miền Đông.
Do nhiệt độ cao đã đạt đỉnh tại các trạm khí tượng quốc gia ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông trong ngày 22/6. Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao màu cam trên cả nước vào lúc 6h sáng 23/6, với dự báo trong 10 ngày tới, khu vực phía Đông và Bắc nước này tiếp tục có thời tiết nắng nóng với số ngày nhiệt độ cao lên tới 8 ngày.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng đang phải chịu đựng một mùa Hè nắng nóng bất thường. Các chuyên gia của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản thậm chí còn cảnh báo nguy cơ phát triển thành hình thái “siêu El Nino."
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết 3 tháng mùa Hè (gồm tháng 7, 8 và 9) cho thấy sự kết hợp của El Nino - nước ấm hơn ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương - với các tác động kéo dài của La Nina (kéo dài trong suốt mùa Đông), đang gây ra mây giông ở Philippines, đẩy áp cao ở Thái Bình Dương về phía Tây.
Theo dự báo, điều này có nghĩa là miền Đông và miền Tây Nhật Bản, cùng với Okinawa và quần đảo Amami, sẽ bị bao phủ bởi không khí ấm.
Nhiệt độ trung bình của tháng 8 có thể cao bất thường trên khắp Nhật Bản, ngoại trừ khu vực Đông Bắc và Hokkaido. Nhiệt độ trung bình trong tháng 7 và tháng 9 dự kiến sẽ tương đương với nhiệt độ của một mùa Hè bình thường.
Giáo sư Masahiro Watanabe của Viện Nghiên cứu đại dương và khí quyển thuộc Đại học Tokyo, dự báo: “Mùa Hè này sẽ là một El Nino mạnh hơn, được gọi là siêu El Nino.”
Theo Giáo sư, do El Nino mạnh và biến đổi khí hậu, sẽ có các hình thái thời tiết cực đoan trên toàn cầu bắt đầu từ mùa Hè. Nhiệt độ hiện đang tăng dần ở Nhật Bản mặc dù hiện nay quốc gia này vẫn đang trong mùa mưa.
Nắng nóng kỷ lục không chỉ diễn ra tại Trung Quốc, Nhật Bản mà còn xảy ra tại hàng loạt nước trên thế giới khi nhiệt độ toàn cầu tăng.
Nhiệt độ toàn cầu đã từng có vài lần tăng vượt quá giới hạn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhưng là ở Bắc bán cầu vào mùa Đông và mùa Xuân.
Thế nhưng hiện nay, mức tăng này còn được ghi nhận cả vào mùa Hè và có khả năng sẽ còn lập thêm nhiều mốc kỷ lục khác nữa do hiện tượng thời tiết El Nino.
Trong những ngày đầu tiên của tháng 6, nhiệt độ toàn cầu đã nhanh chóng vượt quá ngưỡng tới hạn.
Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình quan sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết lần đầu tiên trong tháng 6 đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức giới hạn đã được các chuyên gia khí hậu và các chính phủ đề ra theo thỏa thuận trong Hiệp định Khí hậu Paris nhằm ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường toàn cầu.
Minh Hoa (t/h theo VOV, Vietnam+)